Với sự kết hợp giữa kỹ thuật làm nón lá truyền thống và sự đổi mới trong quản lý kinh doanh, HTX Vĩnh Thịnh không chỉ bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ nghề làm nón lá, mở ra cơ hội tiêu thụ tại nhiều thị trường mới và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.
Sức sống mới cho nghề truyền thống
Người dân thôn Vĩnh Thịnh không ai còn biết rõ nghề làm nón quê mình có từ bao giờ! Chỉ biết rằng, “cha truyền con nối”, làng nghề vẫn bền bỉ tồn tại, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những con người bình dị. Trải qua nhiều thăng trầm, nón lá Vĩnh Thịnh vẫn giữ được những nét đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh kỳ.
Với sự kết hợp giữa kỹ thuật làm nón lá truyền thống và sự đổi mới trong quản lý kinh doanh, HTX Vĩnh Thịnh không chỉ bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ nghề làm nón lá. |
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc HTX Nón lá Vĩnh Thịnh cho biết, thôn Vĩnh Thịnh hiện có khoảng 984 hộ, trong đó có 594 hộ với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng. Nón lá truyền thống đã có từ hàng trăm năm ở Vĩnh Thịnh, nên hầu hết các gia đình đều làm nón không chỉ là kế sinh nhai, mà còn duy trì nét đẹp văn hóa của địa phương.
Nhằm thúc đẩy sản xuất và bán hàng, các hộ làm nón trong thôn đã tập hợp nhau lại trong "ngôi nhà chung" HTX tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ nón lá Vĩnh Thịnh. HTX được thành lập vào đầu năm 2020 với 13 thành viên cốt cán, đóng vai trò thu mua nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sau gần 4 năm hoạt động, đến nay, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của làng nghề truyền thống Việt Nam. Với sự kết hợp tinh tế giữa tinh hoa của nghề làm nón lá và mô hình kinh doanh hiện đại, HTX không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của địa phương.
Hơn nữa, với sự tận dụng các công nghệ và việc quản lý chặt chẽ từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng cả trong và ngoài nước. Sản phẩm của HTX không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất liệu mà còn được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ
“Người dân vẫn làm nón theo công thức mà cha ông để lại từ phơi lá, rẽ lá, là lá đến vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự tâm huyết, kỳ công, tinh tế, kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, để đưa ra được một chiếc nón chất lượng, đẹp mắt đến tay người tiêu dùng”, cô Nguyễn Thị Bích - thành viên HTX Nón lá Vĩnh Thịnh cho hay.
Song hành với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh cũng chủ động tìm hiểu thị trường, sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng, tạo nét riêng biệt trong sản phẩm của mình.
Điển hình như, nhận thấy nhu cầu trang trí của người dân tăng cao, bên cạnh sản xuất nón lá truyền thống, các thành viên HTX sản xuất thêm các sản phẩm: Nón dây, nón vẽ, nón thêu,... có tính thẩm mỹ cao, bền, cung cấp cho các nhà hàng, khu du lịch,... trong cả nước.
Nhờ có sự định hướng và hỗ trợ của UBND huyện, Phòng Kinh tế huyện và xã Đại Áng, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh đã mạnh dạn thành lập website để giới thiệu sản phẩm, đưa các sản phẩm Nón lá truyền thống lên trên các gian hàng thương mại điện tử như: Sen Đỏ, Lazada, Tiki, Ebay, Amazon,… Ngoài ra, HTX còn có các chương trình quảng bá sản phẩm trên Google, Facebook...
HTX cũng tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại của TP Hà Nội và quốc gia nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề sản xuất nón lá. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng đối với các sản phẩm nón lá để sản phẩm có đủ điều kiện vào các siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu cũng được triển khai một cách triệt để. Đến nay, HTX tiêu thụ trên 33 vạn nón lá mỗi năm, doanh thu trung bình đạt hơn 700 triệu đồng.
Năm 2020, làng nghề Nón lá Vĩnh Thịnh đã được TP Hà Nội cấp Bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh”; sản phẩm nón lá của HTX Nón lá Vĩnh Thịnh cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là yếu tố khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Nhất là khi nón lá đang dần vắng bóng trong đời sống thường ngày, sản phẩm đạt OCOP chính là chìa khóa nâng tầm giá trị để nón lá trở thành sản phẩm du lịch.
“Trước kia, sản phẩm nón của HTX chủ yếu bán lẻ tại chỗ, tại các điểm chợ,… sau khi đạt chứng nhận OCOP 4 sao, HTX đã khẳng định được thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã. Tất cả các sản phẩm còn được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QR và hiện nay sản phẩm còn được bán trên các sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến. Nhờ đó mà HTX đã có được nhiều đơn hàng số lượng lớn hơn, thu nhập của các thành viên ổn định hơn”, Giám đốc Nguyễn Thị Thúy cho biết.
Sản phẩm nón lá của HTX Nón lá Vĩnh Thịnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. |
Phát triển làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm
Trải qua vô vàn những khó khăn, thách thức, từ nguồn vốn hạn hẹp, mặt bằng không có, việc tiếp cận với các nền tảng số và truyền thông quảng bá sản phẩm cũng chưa phát triển nhưng đến nay nhìn chung các sản phẩm của HTX Nón lá Vĩnh Thịnh được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh thành và cuộc sống người dân ngày một ổn định, duy trì được nét đẹp văn hóa truyền thống.
HTX định hướng phát triển làng nghề kết hợp với các hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề. |
Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng mà còn mang vẻ đẹp nghệ thuật, là vật trang trí và phục vụ phát triển du lịch. Giữ gìn làng nghề truyền thống, HTX định hướng phát triển làng nghề kết hợp với các hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề. Điểm nhấn thu hút khách du lịch là trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh. HTX cũng sẽ tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, để họ cơ hội tham gia vào các hoạt động thủ công truyền thống tại làng nghề, giúp tăng cường không chỉ về doanh thu mà còn là nhận thức về làng nghề và sản phẩm của HTX.
Phòng trưng bày là nơi hội tụ giá trị truyền thống của làng nghề nón lá hàng trăm năm với những hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển làng nghề và trưng bày các vật tư, nguyên liệu làm ra một chiếc nón lá.
Đáng chú ý, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ coi trọng khía cạnh kinh doanh mà còn chú trọng vào bảo tồn môi trường và phát triển cộng đồng. Các hoạt động xã hội như hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và bảo vệ môi trường đã góp phần làm cho cộng đồng địa phương ngày càng phát triển bền vững.
“Với sự vận động của xã hội, HTX Nón lá Vĩnh Thịnh đã có nhiều nét đổi mới. Sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh đã đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn, từ sản phẩm truyền thống đến sản phẩm trang trí nội, ngoại thất, hội hè được ưa chuộng. HTX sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam, đem hình ảnh chiếc nón lá Việt bên tà áo dài mộc mạc, giản dị làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S nói chung và phụ nữ Việt Nói riêng tới bạn bè quốc tế”, chị Thúy chia sẻ.
Lê Hồng - Minh Phong