Ông Quang chia sẻ, năm 2014, sau nhiều năm tự thân vận động, có những thành công ngoài mong đợi, ông quyết định thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến để vừa chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, vừa tạo mô hình liên kết để nâng cao năng lực sản xuất.
Sáng tạo, nỗ lực không ngừng
Nhờ những đường hướng phát triển đúng đắn, HTX Xuân Tiến hiện có 10 thành viên chính thức (tham gia góp vốn) và 95 thành viên tham gia liên kết sản xuất, trên tổng diện tích hơn 150 ha. Trong đó, diện tích ruộng của gia đình ông Quang là 10 ha, của thành viên là 140 ha.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, người sáng lập HTX Xuân Tiến đã chủ động nghiên cứu, đưa giống lúa ST24 vào canh tác. Ban đầu ông Quang trồng thử nghiệm trên chính ruộng của gia đình, sau đó cho thấy hiệu quả cao, ông mới thuyết phục các hộ liên kết cùng mở rộng diện tích.
Đặc biệt, ngoài trồng giống ST24 ở vùng Xuân Phú, ông Quang còn mở rộng diện tích trồng lúa bằng cách liên kết với bà con tại huyện Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, Định Quán (Đồng Nai),…
Đồng Nai ngày càng nhiều những tỷ phú nông dân như ông Quang (trái), ông Hùng với điểm tựa từ HTX. |
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX, ông Quang cùng các thành viên HTX đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, đầu tư hoàn thiện hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công.
Nhờ sản xuất khoa học, hiện mỗi năm HTX Xuân Tiến trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Trong đó, vụ bắp sẽ xuống giống vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 kéo dài đến cuối tháng 2 năm sau sẽ thu hoạch. Sau đó sẽ làm liên tiếp 2 vụ lúa. Doanh thu bình quân đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.
“Thật ra để thành công và được mọi người đón nhận "Gạo ông Tám" như hiện nay, tôi cùng HTX đã phải mất nhiều thời gian, công sức. Để làm ra sản phẩm gạo sạch không dễ dàng, người nông dân cần có kiến thức và cả sự tâm huyết với nghề và sống được với nghề", ông Quang bộc bạch.
Tương tự, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình, huyện Trảng Bom cũng đang là một trong những tỷ phú nông dân điển hình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
HTX nằm giữa “thủ phủ” chuối Trảng Bom, ông Hùng đã nghiên cứu để biến những phụ phẩm từ cây chuối thành những mặt hàng xuất khẩu đắt giá như sợi chuối, bột chuối, chuối sấy, hàng thủ công mỹ nghệ…
Những năm qua, các sản phẩm chuối của HTX Thanh Bình đã xuất khẩu thành công đi các thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc... Riêng mặt hàng chuối tươi, khi vào mùa mỗi tháng, HTX xuất đi khoảng 12 - 15 container.
Đoàn kết để gia tăng sức mạnh
Hiện, người sáng lập HTX Thanh Bình đang làm việc với các đối tác để đưa hàng vào thị trường Nhật Bản và xúc tiến thương mại để tìm kiếm các khách hàng lớn ở thị trường EU.
Với sự lèo lái của “thuyền trưởng” Lý Minh Hùng, HTX Thanh Bình đang duy trì mức doanh thu 30 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc thiết bị để gia tăng tỷ lệ chế biến.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang là điểm tựa làm giàu cho 10 thành viên góp vốn và hơn 30 thành viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trên diện tích 300 ha. Năng suất trung bình lên đến 50-60 tấn/ha. Ngoài ra, HTX còn tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động thường xuyên với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng.
“Muốn làm giàu, nông dân cần bắt tay nhau. Đoàn kết là sức mạnh, nâng cao khả năng sáng tạo. Khi đủ sáng tạo, không có thứ gì đáng bỏ đi, chỉ có những thứ chúng ta chưa biết cách tận dụng. Vì vậy cần phải liên tục tìm cách biến những thứ ấy thành sản phẩm có giá trị”, ông Hùng chia sẻ.
Có thể thấy, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng, cùng điểm tựa HTX đang giúp nhiều nông dân ở Đồng Nai khởi nghiệp thành công, trở thành những tỷ phú, truyền cảm hứng trong phát triển sản xuất, làm giàu tại địa phương.
Theo thống kê, những năm qua, ở Đồng Nai có nhiều nông dân từ hộ nghèo mạnh dạn vay vốn để đầu tư làm ăn và đến nay trở thành những hộ gia đình khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh Đồng Nai cũng tạo điểm tựa để ngày càng có nhiều tỷ phú nông dân tại các địa phương.
Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 33.000 ha, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%.
Cùng với đó, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%.
Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, nhằm tạo đà cho nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, gia tăng sức cạnh tranh, liên tục nâng cao giá trị sản sản xuất.
Lệ Chi