Đến nay, trên địa bàn huyện có 12/17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,59%, bình quân toàn huyện đạt 18,2/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới và đạt 5/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện cũng đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trước năm 2025.
Nhiều “chiến lược” hiệu quả
Ở Triệu Phong, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xác định là chiến lược quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, hộ sản xuất làm chủ thể thực hiện.
Chương trình OCOP là một trong những chiến lược quan trọng trong xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong. |
Gạo chất lượng cao Triệu Phong của HTX nông sản canh tác tự nhiên Triệu Phong, xã Triệu Tài đang là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi bật của huyện Triệu Phong, được gắn sao OCOP cách đây 3 năm.
Để có được thành công này, kể từ năm 2015, HTX Triệu Phong đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch quy mô tập trung trên địa bàn các xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng…
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Triệu Phong cho biết, khi mới thực hiện mô hình, HTX chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, đến nay đã có gần 145 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 30 ha.
“Chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ là cơ hội tốt để gạo sạch Triệu Phong đến với thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về môi trường và mẫu mã để sản phẩm gạo sạch vươn xa hơn đến với các thị trường thế giới”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo đại diện UBND huyện Triệu Phong, chương trình OCOP là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030.
Thực hiện chương trình OCOP, huyện kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao thương hiệu giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương và không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với OCOP, đào tạo nghề nông thôn cũng là chiến lược quan trọng, được huyện Triệu Phong thực hiện hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Huyện khuyến khích người lao động nông thôn không những tham gia các lớp học nghề để có việc làm, mà còn tự tin xây dựng mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập.
Xây dựng lộ trình cụ thể
Theo đánh giá, Triệu Phong là một trong những huyện đi đầu trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Nông nghiệp vẫn sẽ là nền tảng để huyện Triệu Phong xây dựng nông thôn mới bền vững. |
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Triệu Phong đã có 1.386 người tham gia xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…, những xã có lực lượng tham gia xuất khẩu lao động nhiều là Triệu An, Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Lăng, Triệu Vân.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế hợp tác và chú trọng công tác dạy nghề cho người dân nông thôn ở lĩnh vực này. Hiện, trên toàn huyện có 90 HTX đang hoạt động với 21.356 thành viên. Những HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi mở thêm các dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao cho thành viên.
Việc thực hiện hiệu quả các “chiến lược” phát triển OCOP, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo… chính là nền tảng để huyện Triệu Phong liên tục nâng chất các tiêu chí trong nông thôn mới.
Để đạt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, trước mắt huyện chủ trương hoàn thiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới, rà soát lại bộ tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2021. Năm 2022, phấn đấu 3 xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng xã Triệu Trạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Năm 2023, hoàn thiện chỉ tiêu 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng xã Triệu Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, lập hồ sơ trình Trung ương phê duyệt và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2025, tiếp tục xây dựng và nâng cấp các tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, từng bước nâng cấp tiêu chí đạt chuẩn của xã và huyện.
Cùng với lộ trình cụ thể, huyện sẽ chủ động triển khai, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới. Khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và huy động vốn đầu tư.
Huyện cũng chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Lệ Chi