Hà Quảng có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, đất đai canh tác hạn chế, trình độ dân trí còn thấp và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Những yếu tố này đã tạo ra những rào cản không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Những mô hình mới
Nhận thức rõ điều đó, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao "cần câu" thay vì chỉ "con cá" cho người dân.
Một trong những yếu tố then chốt trong công tác giảm nghèo ở Hà Quảng là việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân.
Điển hình có thể kể đến là những mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thay vì chỉ trồng các loại cây truyền thống năng suất thấp, huyện đã khuyến khích và hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.
Tiêu biểu như cây thuốc lá với sự liên kết tiêu thụ ổn định của doanh nghiệp đã được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân ở xã Trường Hà nói riêng và người dân Hà Quảng nói chung. Giá trung bình khi bán thuốc lá là 50-60 nghìn đồng/kg, trong khi ngô chỉ bán được khoảng 10 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, huyện trồng từ 1.100 - 1.300 ha thuốc lá, tổng doanh thu đạt 180-200 tỷ đồng/vụ, sản xuất trong khoảng 3 tháng, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
![]() |
Thuốc lá đang là cây giảm nghèo ở huyện Hà Quảng. |
Hay mô hình trồng cây trúc sào phục vụ chế biến và xuất khẩu, mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo hướng hàng hóa, nuôi ong lấy mật... đến mô hình chuyển đổi từ trồng giống chè truyền thống sang trồng chè theo kỹ thuật và giống mới của HTX sản xuất chè xã Vân Trình... Các mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập trực tiếp mà còn tạo ra việc làm ổn định cho người dân.
Ngoài phát triển sản xuất, huyện còn ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông..., Hà Quảng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hỗ trợ người dân phát triển các dịch vụ homestay, ẩm thực truyền thống, văn hóa văn nghệ... tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Mô hình này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập từ du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.
Song song với đó, Hà Quảng cũng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng, bao bì, nhãn mác và quảng bá các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương như mật ong, miến dong, các sản phẩm thổ cẩm...
Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của HTX, người dân đã dần có chỗ đứng trên thị trường như khẩu sli Nà Giàng của HTX Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, xã Ngọc Đào; rượu ngô Đinh Đông, Mế Farmstay; lạc đỏ Lục Khu, lạp sườn lợn đen... Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho người sản xuất.
Thúc đẩy các dự án
Bên cạnh các mô hình kinh tế, các dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống.
Trong đó, dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được triển khai khá hiệu quả. Các dự án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn tạo điều kiện để họ tập trung phát triển kinh tế.
Dự án hỗ trợ sinh kế bằng cách cung cấp vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo, giúp họ có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo ra thu nhập bền vững được Liên minh HTX tỉnh và ngành nông nghiệp huyện quan tâm.
![]() |
Sản phẩm khẩu sli Nà Giàng của HTX Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng. |
Đi liền với đó là các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế, nâng cao nhận thức về pháp luật... giúp người dân có thêm kiến thức và kỹ năng để tự vươn lên thoát nghèo. Từ việc hỗ trợ này, người dân ở nhiều xã đã mạnh dạn phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: chăn nuôi bò cái sinh sản; chăn nuôi gà thương phẩm thả vườn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (ớt chỉ thiên và ớt chỉ địa); trồng cây gai xanh, đậu tương, lạc đỏ theo chuẩn hữu cơ, trồng cây mận máu; chăn nuôi vịt siêu trứng Đại Xuyên TC theo hướng an toàn; chăn nuôi lợn thương phẩm (lợn ngoại)...
Dự án phát triển hạ tầng nông thôn cũng được chú trọng. Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện lưới quốc gia... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, HTX trong sản xuất, giao thương và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đến nay, 100% xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa.
Vai trò của HTX
Thành công trong công tác giảm nghèo ở Hà Quảng không chỉ đến từ nỗ lực của chính quyền và các dự án mà còn có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và những người dân có điều kiện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người nghèo.
Đặc biệt, vai trò của các HTX ngày càng được khẳng định. Các HTX đã trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân và thị trường, giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại, nâng cao sức mạnh tập thể, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra ổn định và tăng cường khả năng cạnh tranh. Nhiều HTX ở Hà Quảng đã triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên.
Tiêu biểu như HTX Dược liệu Hà Quảng đã tận dụng lợi thế tự nhiên của huyện để phát triển cây dược liệu. HTX triển khai các mô hình trồng sâm Ngọc Linh, cây đinh lăng,và các loại thảo dược khác, giúp tăng thu nhập cho nông dân và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân địa phương.
Theo thống kê, huyện Hà Quảng có 52 HTX, với tổng số vốn điều lệ hơn 96,4 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng; thương mại dịch vụ và vệ sinh môi trường.
Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: Hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống máy sấy bằng than đá, hệ thống chuồng lạnh…
Đặc biệt, thông qua Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, một số HTX trong huyện đã nhận được sự hỗ trợ từ Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) trong việc tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Các HTX được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quản lý và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Từ đây, huyện không chỉ có những HTX hoạt động hiệu quả mà đã có những HTX được hỗ trợ thành lập các HTX mới, đặc biệt là những HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu và chế biến sản phẩm nông sản.
Với những nỗ lực không ngừng và những mô hình, dự án giảm nghèo hiệu quả đang được triển khai, Hà Quảng đang vững bước trên con đường xóa đói giảm nghèo, kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho người dân vùng biên giới Cao Bằng. Câu chuyện về sự đổi thay ở Hà Quảng là minh chứng cho thấy, với quyết tâm và những giải pháp phù hợp, những vùng đất khó khăn nhất cũng có thể vươn lên, mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân.
Tùng Lâm