Theo UBND xã Nhạn Môn, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh triển khai nguồn vốn giúp các HTX, hộ nông dân xây dựng mô hình sản xuất gắn với thế mạnh nông - lâm sản đặc trưng của địa phương. Nhờ có vốn và được hướng dẫn cách làm kinh tế, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đa dạng mô hình sản xuất
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất quê hương, HTX Nhạn Môn (thôn Vi Lạp) được thành lập với 7 hộ thành viên. Thời gian gần đây, HTX đang phát huy hiệu quả thiết thực.
![]() |
HTX Nhạn Môn đang là mô hình điểm trong phát triển kinh tế tại địa phương (Ảnh Tư liệu) |
Giám đốc Hoàng Quang Luật đồng thời cũng là hộ sản xuất quy mô lớn nhất của HTX Nhạn Môn, cho hay, để đảm bảo hiệu quả bền vững, gia đình anh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đen bản địa theo hình thức khép kín, thời điểm nuôi nhiều đạt từ 50 - 60 con.
Ngoài chăn nuôi, anh Luật cùng nhiều thành viên HTX tổ chức ươm cây giống rau bồ khai để trồng và cung cấp nguồn cây giống cho thị trường. Đặc biệt, qua các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương và thăm quan các mô hình, đến nay anh Luật đã nuôi thành công giun quế để phục vụ chăn nuôi gia cầm.
Hiệu quả của mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt giúp đời sống của gia đình anh Luật được nâng lên đáng kể, với thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.
“Mức thu nhập trung bình của thành viên HTX Nhạn Môn hiện ở mức trên dưới 30 triệu đồng/năm. Dù không quá cao nhưng so với mức bình quân toàn xã, đây là mức thu nhập rất đáng kể. Hầu hết thành viên HTX hiện đã cơ bản thoát nghèo”, anh Luật nhấn mạnh.
Bên cạnh sự phát triển của các thành viên HTX Nhạn Môn, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nhạn Môn cũng đang có bước tiến tích cực.
Điển hình như mô hình trồng gừng đã được xã thực hiện nhiều năm nay với hơn 8ha, trồng tập trung ở các thôn Nà Bẻ, Vi Lạp, Phai Khỉm. Mô hình đang thu hút 27 hộ dân tham gia.
Hiện tại, sản phẩm củ gừng đã có doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, nhờ đó nhiều hộ đã có thu nhập hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Hiệu quả của HTX Nhạn Môn cùng một số mô hình sản xuất điểm đang giúp công cuộc xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn xã có những chuyển biến lớn.
Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã Nhạn Môn lên tới trên 51%, nhưng đến cuối năm 2019 chỉ còn hơn 32%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 15,1 triệu đồng, đến năm 2019 đạt 17,6 triệu đồng.
![]() |
Cần thêm nhiều HTX, tổ hợp tác để đẩy nhanh quá trình xoá đói, giảm nghèo ở Nhạn Môn (Ảnh TL) |
Với những nền tảng đang có, xã Nhạn Môn đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.400 tấn trở lên, bình quân lương thực có hạt đạt 500kg/người/năm. Nâng độ che phủ rừng lên 67%, duy trì tổng đàn đại gia súc trên 1.500 con.
Những năm gần đây, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã đang cho thấy hiệu quả rất khả quan, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân địa phương. Vì vậy, xã đang dự kiến thành lập 8 tổ hợp tác để định hướng phát triển bền vững cho nông dân.
Không chỉ với chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, các lĩnh vực sản xuất khác cũng được xã định hướng phát triển theo hướng liên kết, thành lập các tổ hợp tác, HTX. Bởi việc bắt tay liên kết trong một tổ chức thống nhất sẽ giúp vị thế của nông dân được nâng lên, thu hút sự quan tâm của đối tác, từ đó gia tăng giá trị sản xuất.
Nhật Minh