Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, thành viên và người lao động.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Tháng 4/2018, Tổ hợp tác (THT) Hồng Trung Đại Sơn (Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được thành lập với số vốn ban đầu là 200 triệu vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để chăn nuôi heo rừng, gà đồi. Nhờ chăm chỉ, có cách làm bài bản, trang trại rộng 3ha chăn nuôi heo rừng, gà đồi rộng 3ha của THT không ngừng gia tăng về số lượng và doanh thu. Hơn một năm sau, THT đã trả đủ cả gốc lẫn lãi cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Nhờ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhiều HTX đầu tư công nghệ sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Từ thành công ban đầu, tháng 3/2021, ông Lê Hồng Trung, tổ trưởng THT quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Hồng Trung Đại Sơn, với 7 thành viên vừa chăn nuôi, vừa liên kết trồng hơn 20ha rừng keo, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương.
Từ hiệu quả hoạt động mô hình HTX kiểu mới, các HTX đã vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, với 500 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh, HTX Nông nghiệp Tín Phát (HTX Tín Phát), xã Kế Thành, huyện Kế Sách đã mạnh dạn hỗ trợ cho thành viên mua lúa giống, phân bón… Ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX Tín Phát chia sẻ: So với các ngân hàng thương mại, thủ tục vay từ Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh Sóc Trăng nhanh gọn, đơn giản với lãi suất cho vay khá ưu đãi (6%/năm). Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các HTX còn được giãn hoặc hoãn thời gian trả nợ.
"Được trợ giúp về nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi mới mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho việc sản xuất, kinh doanh. Sau 2 năm làm ăn thuận lợi, hiện chúng tôi chỉ còn dư nợ 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định, thời gian vay của quỹ là 3 năm, nếu thời gian vay được lâu hơn thì các HTX sẽ linh hoạt sử dụng vốn giúp cho việc sản xuất, kinh doanh phát triển hơn”, ông Đậm đề xuất.
Có thể nói, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách mới chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới, phát triển THT, HTX song đây là yếu tố quan trọng, là nguồn trợ lực khá lớn để thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX từng bước phát triển vững chắc và là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, từ nguồn vốn cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho THT, HTX, giúp cho nhiều THT, HTX liên kết, mở rộng, đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Theo đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp ra đời đã góp phần đảm bảo ổn định lâu dài về đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 2.100 lao động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 70%) và không thường xuyên (30%), cải thiện mức thu nhập cho người lao động tại các vùng nông thôn từ 2 triệu lên 3-4 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời đã góp phần giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể, vừa tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, tạo sự gắn kết các thành viên HTX, THT và nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh.
Tại Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp”, được tổ chức đầu tháng 3, ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết: “Theo số liệu điều tra, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng”.
Để cung ứng vốn cho các HTX, các chuyên gia kiến nghị loạt giải pháp, trong đó kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ Tín dụng Nhân dân là đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhằm tăng cường năng lực tài chính, góp phần thực hiện tốt vai trò hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể. Đồng thời, xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên, bố trí ngân sách riêng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX.
Dương Hà