Anh Hùng hiện là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, đại biểu HĐND xã Liên Khê, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (HTX nông nghiệp Liên Khê).
Lấy lại niềm tin trong nhân dân về HTX
HTX Nông nghiệp Liên Khê được thành lập năm 1998, ngành nghề chính là dịch vụ tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Liên Khê đã trải qua không ít khó khăn, có giai đoạn HTX đứng bên “bờ vực giải thể”. Đặc biệt là giai đoạn từ năm 2012 - 2014, HTX thường xuyên kinh doanh thua lỗ. Có năm lỗ đến hơn 300 triệu đồng; vay nợ lên đến 2,3 tỷ đồng, không trả được tiền công cho người lao động.
Trong lĩnh vực kinh doanh điện, hệ thống điện của HTX sau nhiều năm khai thác, không nâng cấp đầu tư đã xuống cấp trầm trọng. Nhân dân, khách hàng sử dụng điện liên tục phản ánh, khiếu kiện...
Đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể giải quyết được, không ai đảm nhận công việc lãnh đạo HTX, anh Hùng đã nhận nhiệm vụ và động viên một số anh chị em trong Ban quản lý cũ ở lại để tiếp tục xây dựng củng cố HTX. Trước khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX có 502 xã viên, sau khi chuyển đổi còn 13 thành viên.
![]() |
Dưới sự lãnh đạo của anh Hùng, HTX nông nghiệp Liên Khê đã hoạt động hiệu quả, có văn phòng mới khang trang... |
Năm 2015, thách thức lớn nhất đặt ra cho anh Hùng và Ban lãnh đạo HTX là: Làm cách nào để HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả? Vì với tình hình nợ đọng nhiều, hoạt động yếu kém, HTX đã mất dần uy tín, niềm tin trong nhân dân, thậm chí cả chính quyền địa phương về một mô hình kinh tế hiệu quả.
Tâm huyết và trăn trở, anh Hùng đã quyết định đứng ra vận động thành viên góp thêm vốn và bằng uy tín của mình huy động thêm các nguồn vốn vay từ bên ngoài để đầu tư thay thế hệ thống lưới điện theo đề án nâng cấp cải tạo đã được phê duyệt.
Cụ thể: HTX đầu tư xây thêm 4 trạm biến áp công suất 1.370kVA kéo thêm 1.530m dây điện trung thế, di chuyển 2 trạm biến áp do lệch bán kính cấp điện, với tổng chi phí lên đến hơn 5 tỷ đồng. Nhà nước đầu tư thêm cho 1 trạm biến áp và nâng cấp hệ thống lưới trung áp từ 10kV lên 35kV. Tổng công suất các trạm biến áp do HTX quản lý vận hành từ 1.590kVA lên đến 3.640kVA đã đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trong xã.
Tỷ lệ tổn hao điện giảm rõ rệt (năm 2014 là 18,2% thì đến năm 2019 là 9,5%), HTX làm ăn có lợi nhuận. Hiện nay, lương bình quân trong Ban quản lý HTX là hơn 4 triệu đồng/ người. HTX có 11 người đóng BHXH bắt buộc. Trang thiết bị về an toàn lao động được đầu tư đầy đủ. Hệ thống nhà kho văn phòng trang bị của HTX được xây mới với tổng diện tích phòng làm việc là 90m2, kho cửa hàng vật tư là 120m2...
Kết quả sản xuất kinh doanh của HTX năm 2019: - Số lượng thành viên: 15 - Tổng nguồn vốn: 4,78 tỷ đồng - Tổng doanh thu: 13,1 tỷ đồng - Nộp ngân sách: 1,305 tỷ đồng - Lợi nhuận sau thuế: 275 triệu đồng - Thu nhập bình quân lao động: 4,5 triệu đồng/tháng |
"Chắp cánh" cho thương hiệu Na Bở Liên Khê
Liên Khê là địa phương có diện tích trồng chuối và na lớn của huyện Thủy Nguyên (khoảng 200ha). Tuy nhiên, sản phẩm của bà con ở đây thường được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Người dân sản xuất manh mún, không theo quy định, tiêu chuẩn nào, vì vậy giá thành sản phẩm không cao, nông sản không có thương hiệu.
Trước thực trạng trên, anh Hùng bàn bạc trong Ban lãnh đạo HTX quyết định đứng lên nhận đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 2 sản phẩm của địa phương là chuối và na Liên Khê. Năm 2017, HTX được chứng nhận VietGAP cho 10ha na và được chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho chuối Liên Khê.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Hùng phấn khởi cho biết mùa na sắp tới hứa hẹn sẽ là vụ được mùa, được giá cho bà con |
Anh Hùng chia sẻ: “Sau khi được chứng nhận VietGAP cho sản phẩm na, bản thân tôi đã trực tiếp liên hệ với các cửa hàng, công ty bán rau quả tại thị trường Hà Nội và bỏ kinh phí thu mua các sản phẩm để tham gia các hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm. Thời gian đó, hầu như hội chợ giới thiệu nông sản nào tổ chức, tôi đều có mặt. Nhờ chịu khó đi lại, chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm na Liên Khê đã tiếp cận được thị trường Hà Nội và 10 tỉnh thành phía Bắc. HTX đứng ra thu mua na cho bà con với giá cao, ổn định. Đồng thời trong năm 2018, HTX được sự hỗ trợ của TP Hải Phòng mở rộng thêm 20ha na và 15ha chuối VietGAP. Hiện, HTX đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm na bở Liên Khê đạt chứng nhận OCOP".
HTX Nông nghiệp Liên Khê nói chung và cá nhân anh Nguyễn Văn Hùng nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực cho khối kinh tế hợp tác của huyện và quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây là một trong số ít HTX của huyện đi đầu trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả tốt, tạo thương hiệu cho nông sản. "Còn trong lĩnh vực kinh doanh điện, chất lượng điện tốt, ổn định, an toàn và đạt tiêu chí số 4 về điện theo bộ tiêu chí về nông thôn mới", đại diện lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên cho biết.
Thanh Vân