Dù đối diện với không ít khó khăn, song quá trình xây dựng nông thôn mới đang giúp ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế điểm, cho giá trị cao. Đơn cử như mô hình trồng rau má của HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ với hơn 300 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 45 ha theo chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Điểm tựa cho sản xuất
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, để mở rộng thị trường cho người dân, HTX Quảng Thọ 2 đã đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, nhà máy chế biến trà rau má, ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sấy khô, sục ozon, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Lương Trí, đại diện HTX Quảng Thọ 2, cho hay nhờ sản xuất khoa học, thị trường rộng mở, bình quân 1 ha rau má của HTX hiện có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ rau má.
Mô hình trồng rau má VietGAP ở Quảng Điền đang cho giá trị cao. |
Đặc biệt, nhờ chất lượng vượt trội, mang lại giá trị cao cho nông dân, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương, sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là một trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao.
Những thành công của HTX Quảng Thọ 2 đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiệu quả của sản xuất nông nghiệp cũng là nhân tố giúp xã Quảng Thọ hoàn thành nhiều chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền.
Tương tự, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đang góp phần thay đổi đời sống cho người dân ở xã Vinh An, huyện Phú Vang. Đến nay, phần lớn hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Hầu hết hộ gia đình đều có cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Vinh An đầu tư xây dựng mới một số công trình thủy lợi, huy động người dân duy tu, nạo vét và tu bổ kênh mương, đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước là 178,7ha/189,7ha, đạt 94,2%. Nhờ đó, năng suất và chất lượng lúa, hoa màu tại địa phương ngày càng nâng cao.
Kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất bền vững là từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo gần 18% cách đây hơn 10 năm, đến nay xã ven biển, đầm phá Vinh đã đạt chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,8%.
Hiệu quả sản phẩm OCOP
Cùng với thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn góp phần thúc đẩy thành công của chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ đó cho ra đời những mặt hàng thế mạnh, cho giá trị kinh tế vượt trội.
Đến nay, sản phẩm OCOP được xem là bước đột phá của tỉnh trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 57 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử như sàn kinh tế hợp tác của Liên minh HTX tỉnh, sàn postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, sàn voso.vn của Viettelpost và trên các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam.
OCOP được xem là bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế. |
Riêng trong năm 2023, đã có 53 sản phẩm được đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hiện các chủ thể đang triển khai phương án sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Dự kiến đến cuối năm, có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện Quảng Điền 2 điểm, TP. Huế 2 điểm, Phú Vang có trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Các ban ngành quản lý của tỉnh cũng tích cực tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, như xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định); giới thiệu, xúc tiến sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động du lịch như lễ hội Cầu ngói Thanh toàn, Festival Huế, chợ phiên Nam Đông.
Hướng tới du lịch sinh thái
Sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn sinh thái đang trở thành nền tảng để nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thúc đẩy dịch vụ du lịch cộng đồng.
6 tháng đầu năm 2023, các cấp, ban, ngành đang tập trung khai thác tiềm năng, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới để đa dạng hóa dịch vụ, ngành nghề nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Hiện, tỉnh đang triển khai thực hiện hai mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đó là thôn Dỗi xã Thượng Lộ (Nam Đông) và ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền).
Các địa phương khác cũng đang tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của từng xã để đầu tư xây dựng phát triển các mô hình du lịch nông thôn tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy...
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực cùng sự nỗ lực của người dân, tỉnh đã xây dựng thành công một sản phẩm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là khu du lịch thác A No – A Lưới.
Thời gian tới, các ban ngành tiếp tục hướng dẫn, chuẩn hóa một số sản phẩm, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm ba điểm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP là du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông, dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh tại huyện Quảng Điền, du lịch sinh thái suối Tiên tại huyện Phú Lộc.
Có thể thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặt hái nhiều thành công tích cực, dù khó khăn vẫn còn không ít. Từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh. Để hoàn thành, sẽ cần sự đồng hành, đoàn kết của cả địa phương và chủ thể là người dân.
Lệ Chi
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 |