Long An đang xây dựng thành công nhiều mô hình điểm nhờ tái cơ cấu nông nghiệp (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả bất ngờ
Sau gần 10 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Long An đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, trồng thanh long tưới nhỏ giọt, trồng lúa hữu cơ, các mô hình nuôi bò,...
Các mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ đều hoàn thiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đồng thời mang lại những lợi ích về ATLĐ.
Đơn cử, với mô hình lúa, toàn tỉnh hiện có trên 18.300ha lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao; hơn 1.878ha rau ƯDCNC, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết bình quân mỗi vụ, HTX sản xuất trên 100ha lúa theo mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với ATLĐ, trong đó có 10ha sản xuất theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ với các giống lúa ST24, Nàng Hoa 9, lúa đỏ và lúa tím.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, sau khi thu hoạch, so với sản xuất truyền thống, sản xuất theo mô hình mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế và tạo ra lúa, gạo sạch.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, bên cạnh kỹ thuật, vấn đề ATLĐ luôn được HTX chú trọng. Các hộ thành viên HTX được tập huấn, nắm chắc quy trình sản xuất an toàn, các quy định về ATLĐ.
Đơn cử, trong quá trình cơ giới hóa, người lao động được tập huấn kỹ thuật vận hành máy móc, có kỹ năng ứng phó tốt với các sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất, từ đó vừa nâng cao năng suất lao động vừa đảm bảo ATLĐ.
Liên kết giúp vị thế của người nông dân được nâng lên (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh liên kết
Nhằm tăng cường mối liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, những năm qua tỉnh Long An đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết sản xuất với HTX, nông dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, an toàn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tâm Nông Việt, ông Đinh Bạt Quy cho hay hiện HTX có khoảng 6.000m2 sản xuất các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dưa leo, cà chua bi,... sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX đều ý thức được tầm quan trong của vấn đề ATLĐ khi chủ động trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, ủng… khi thực hiện các khâu chăm sóc đặc thù như bón phân, phun thuốc sinh học bảo vệ rau, củ”, ông Đinh Bạt Quy nhấn mạnh.
Nhiều nông dân sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh Long An cũng an tâm hơn khi có đầu ra ổn định nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với ATLĐ.
Theo thống kê, tỉnh Long An đã phát triển thành công hơn 2.077ha thanh long ƯDCNC kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, chú trọng ATLĐ.
Hơn 10 năm trồng thanh long nhưng phải đến khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, mới có được thành công như mong đợi.
Ông Trung chia sẻ: “Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với ATLĐ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, tưới nước tiết kiệm,... giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, đảm bảo an toàn sức khỏe, tiết kiệm điện, lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả...”.
Cũng theo ông Trung, nhờ ứng dụng công nghệ cao, trái thanh long to hơn, năng suất cao hơn và đạt tiêu chuẩn có thể xuất khẩu với giá rất tốt sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khó tính khác.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều biến động do đại dịch Covid-19, cùng những ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng chiến lược lâu dài, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác...
Nhật Minh