Để được xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi, sản phẩm của các HTX, người dân, doanh nghiệp đều phải giám sát an toàn thực phẩm từ công đoạn sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất và kinh doanh an toàn
Tuy nhiên, tỷ lệ HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sản phẩm được sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn còn rất ít. Có HTX đang hoặc mới bắt đầu sản xuất nông sản, thực phẩm phẩm an toàn nhưng chưa được giám sát tất cả các công đoạn sản xuất đến phân phối tiêu thụ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, các cơ sở chăn nuôi bò, gà, lợn theo tiêu chuẩn sinh học, VietGAP của người dân, HTX và doanh nghiệp mới chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm đầu ra chưa ổn định, giá trị sản phẩm không vượt trội, nên cơ sở sản xuất, chăn nuôi chưa quan tâm đến duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đa số HTX sơ chế, giết mổ nhỏ lẻ nên khó giám sát chất lượng sản phẩm thịt rất khó khăn.
Ngay như nhóm sản phẩm về chè, hiện cả tỉnh mới chỉ có một chuỗi cung cấp thực phẩm chè an toàn của HTX Nông nghiệp chế biến chè Thanh Đức được giám sát chất lượng từ công đoạn sản xuất ban đầu, chế biến. Điều này chưa giúp nhiều người dân tiếp cận được nông sản sạch và chưa tận dụng được lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Nhằm cải thiện tình trạng trên và thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của thành viên, nhân dân trong sản xuất, chế biến, đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã tích cực thực hiện đề án “xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch, an toàn gắn với hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm cho khu vực HTX, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030”.
Để làm được điều này, vấn đề đầu tiên là các HTX cần phải sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, và có giấy chứng nhận của ngành chức năng, từ đó tạo tiền đề xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng.
Nhiều HTX đang làm tốt vai trò đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng. |
Ngay như mô hình sản xuất của HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh (Nam Đàn) đang nổi lên là mô hình sản xuất tiêu thụ rau củ quả và một số nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh. Nhờ chú trọng đầu tư nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao và chú trọng hoàn thiện, đánh giá các tiêu chí trong sản xuất nông sản an toàn theo định kỳ, nông sản của HTX luôn được đánh giá cao về chất lượng, thuyết phục được các doanh nghiệp và các chủ cửa hàng nông sản sạch, các đơn vị sự nghiệp liên kết tiêu thụ.
Ngoài HTX Nam Anh, còn có nhiều mô hình khác trên địa bàn chú trọng sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm để cung cấp ra thị trường như HTX nông nghiệp Xanh Hồng, HTX nông nghiệp THQ Diễn Phong (Nam Đàn), HTX Trà Lân (Con Cuông)… Bên cạnh đó còn có nhiều HTX đã liên kết với các HTX, mô hình sản xuất khác… mở cửa hàng nông sản sạch để giúp người dân nâng cao sức khỏe từ việc tiếp cận nguồn nông sản an toàn như HTX DVNN&XD Minh Thành (Yên Thành), HTX nông nghiệp Mạnh Dũng (thị xã Thái Hòa)…
Nâng sức khỏe, thu nhập
Co thể thấy, không ít HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy để cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn cho thành viên, bà con nhân dân và cũng là nơi để các HTX, làng nghề trong và ngoài tỉnh học tập kinh nghiệm sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị hàng hóa an toàn.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, việc tuyên truyền vận động nông dân, thành viên tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn có vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức, ý thức của nông dân trong toàn tỉnh về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, đồng thời nâng cao trình độ, kiến thức cho người nông dân, nhất là kiến thức sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm an toàn; hình thành thói quen tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn trong nhân dân.
Đặc biệt, nhiều HTX đã chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ… chú trọng đầu tư máy móc nhằm tạo đột phá trong nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh (Hưng Nguyên), cho biết việc các HTX tích cực tiếp cận kiến thức, công nghệ mới, nâng tầm quản trị và hoạt động hiệu quả cũng chính là đang hướng đến mục tiêu xây dựng nền thực phẩm an toàn, minh bạch, bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Trong khi vấn đề sản xuất không theo tiêu chuẩn, thiếu an toàn… vẫn còn khá phổ biến khiến cho thực phẩm sạch, thực phẩm bảo đảm an toàn khó cạnh tranh và làm cho người tiêu dùng bị hoang mang, nhầm lẫn. Điều này dẫn đến thực trạng người tiêu muốn dùng nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm thì khó tiếp cận còn các HTX, hộ dân sản xuất an toàn thì lại khó tìm đầu ra.
Vì vậy, việc nhiều HTX trên địa bàn đã và đang nỗ lực trong việc đạt được các chứng chỉ sản xuất đã thể hiện tâm thế sẵn sàng hội nhập với thế giới.
Đặc biệt, các mô hình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm đang giúp Nghệ An hình thành được các chuỗi giá trị hàng hóa, đóng góp chung vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Bởi mỗi HTX nông sản sạch hình thành giúp tạo việc làm vào thu nhập ít nhất cho 7 thành viên, người lao động. Trong đó, toàn tỉnh có 859 HTX và không ít đã hoàn thiện chuỗi nông sản an toàn.
Đặc biệt các HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang làm tốt công tác sản xuất và hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia nhờ tham gia sản xuất theo chuỗi nông sản an toàn.
Từ đó hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của các xã nghèo đã giảm trung bình từ 1 - 1,5%/năm, trong đó, vùng miền núi giảm khoảng 2 - 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Minh Nhương