Theo ông Hoàng Văn Sóng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, từ khi có Luật HTX 2012, bên cạnh những cố gắng trong tham mưu chính sách, hàng năm Liên minh đều tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ HTX, nổi lên là triển khai các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và hỗ trợ HTX tiếp cận vốn vay phát triển.
Những HTX mạnh ở tỉnh
Nhiều năm nay, khu vực HTX ở Lạng Sơn hoạt động thiếu ổn định, còn khá cao tỷ lệ HTX yếu kém, cầm chừng, hay ngừng hoạt động.
Từ thực trạng đó, qua kinh nghiệm theo dõi hỗ trợ xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn nhận thấy việc chọn HTX “điểm” phải ở những địa bàn có thuận lợi vùng sản xuất hàng hóa tương đối tập trung. Nơi đó HTX thực sự có nhu cầu hợp tác đầu vào (giống cây con, vật tư…) và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, HTX chọn “điểm” phải có đội ngũ cán bộ quản lý nhiệt tình và tâm huyết, có năng lực điều hành và có ý chí làm giàu cho tập thể HTX và cho gia đình mình. Khi hỗ trợ xây dựng những mô hình HTX kiểu mới này, rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho HTX được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Kết quả gần đây, Lạng Sơn nổi lên một số mô hình HTX kiểu mới được xem là đơn vị mạnh của tỉnh, chủ yếu ở các lĩnh vực dịch vụ thương mại và sản xuất nông lâm nghiệp. Cụ thể như, HTX Hợp Thịnh (huyện Cao Lộc) đến ngày 15/12/2014 đã chuyển đổi xong theo Luật HTX 2012, với 20 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng được nâng lên 20 tỷ đồng, mở rộng kinh doanh dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi cá. Về hoạt động, HTX sau chuyển đổi đã biết chú trọng hơn việc nắm bắt thị trường, hàng năm quan tâm xây dựng phương án kinh doanh, gắn với công tác hạch toán kế toán…
Năm 2015, HTX tăng diện tích chuồng trại chăn nuôi trên 400m2, áp dụng chuỗi khép kín sinh thái VAC (vườn - ao - chuồng) và tiêu chuẩn chất lượng CP Việt Nam. Từ ổn định nguồn sản phẩm, HTX tích cực tìm kiếm đối tác tiêu thụ là DN, HTX trong và ngoài tỉnh, hợp tác xuất khẩu sang Trung Quốc.
![]() |
Mô hình trồng bí đao bao tử HTX Thanh Niên ở xã Yên Thịnh (Hữu Lũng)
Kết quả doanh thu HTX tăng nhanh, từ gần 2 tỷ (2014) lên 4,3 tỷ (2015) và năm 2016 tăng doanh thu 6,5 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 1,3 tỷ đồng và dư sức mở dịch vụ ra ngoài thành viên HTX, góp phần tích cực ổn định đời sống việc làm cho người dân vùng cao.
Ở huyện Bắc Sơn có HTX Lê Hồng Phong chuyên chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tổ chức lại theo Luật HTX 2012 từ 6/4/2016, với 13 thành viên và tăng được vốn điều lệ lên 600 triệu đồng. Cùng với diện tích đất sản xuất, nhà kho do thành viên đóng góp, HTX thuê 21ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, gần đây, bình quân hàng năm đạt doanh thu 2 tỷ đồng, lợi nhuận 800 triệu đồng.
Giải pháp nhân rộng phát triển HTX
Ngoài hỗ trợ thành viên dịch vụ thủy sản như cá, cá lồng, cá giống…, HTX tổ chức tiêu thụ nông sản phẩm trên địa bàn huyện và mở rộng mạng lưới tiêu thụ vào Tp.Lạng Sơn và các huyện lân cận. Hiện HTX đang nghiên cứu tự sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm chi phí giá thành và tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín…
Số liệu tổng hợp mới ở Lạng Sơn có 127 HTX các loại hình, trong đó 91 HTX đang hoạt động, 36 HTX ngừng hoạt động trong diện giải thể bắt buộc. Rà soát toàn tỉnh có 61/127 HTX cần chuyển đổi theo Luật HTX 2012, gần đây đã có 57/61 HTX hoàn thành tổ chức lại theo Luật, còn 4 HTX chưa xong hoặc chuyển sang hình thức tổ chức khác.
Để nhân rộng một số mô hình HTX mạnh nêu trên, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đề xuất với tỉnh 6 giải pháp thực hiện củng cố và phát triển mới HTX trên địa bàn. Đáng kể nhất, Liên minh HTX tỉnh chủ động tham mưu với tỉnh cụ thể hóa chính sách ưu đãi HTX theo Quyết định 2261 về chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020.
Đồng thời, Liên minh quan tâm hỗ trợ sáng lập viên phát triển mới HTX, phối hợp với từng cấp huyện lựa chọn sản phẩm chủ lực để xây dựng mô hình HTX phù hợp. Chú trọng củng cố và phát triển HTX gắn với chủ trương, kế hoạch của tỉnh triển khai xây dựng nông thôn mới và gắn với Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Lạng Sơn giai đoạn 2016 -2020.
Lưu Đoàn