HTX chăn nuôi Hoàng Long (thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ đạt tiêu chuẩn OCOP mà còn có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn của thành phố Hà Nội.
Khu chăn nuôi của HTX được xây dựng khép kín trên diện tích hơn 5ha với đầy đủ các hạng mục của mô hình chăn nuôi lợn khép kín. Đặc biệt, khu chăn nuôi lợn của HTX được nhiều người biết đến với tên gọi khá khác lạ “chung cư lợn”.
Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi công nghệ cao
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX cho biết, “Chung cư lợn” bắt đầu được xây dựng từ năm 2007. Khi đó HTX chỉ mới có 2,2ha đất. Để khắc phục sự hạn chế về đất đai, HTX đã chọn cách xây dựng trang trại theo phương án nhà tầng thay vì chuồng trại theo cách truyền thống (chuồng 1 tầng). “Chung cư lợn” có lắp đặt cầu thang máy, được xây dựng với các dãy chuồng nuôi từ 1 đến 3 tầng.
Chăn nuôi lợn công nghệ cao ở HTX Hoàng Long, TP. Hà Nội. |
Khu chuồng nuôi lợn thịt của HTX luôn được bảo đảm vệ sinh, từ máng ăn đến không gian chuồng trại… HTX còn trang bị máy ozon sát trùng hiện đại, để bảo đảm được khâu phòng bệnh tốt. Riêng khu chăm sóc lợn con sau khi được cai sữa, nằm trên tầng 3 sạch sẽ, được lắp các bóng đèn công nghệ cao, vừa để dùng sưởi ấm vừa sát trùng cho lợn giống.
Ông Tạ Viết Hùng Chủ tịch HĐQT HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2012, thấy được tiềm năng từ mô hình nông nghiệp hữu cơ, năm 2018 ban giám đốc HTX đã chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, mô hình hoạt động bao gồm: Trang trại nông nghiệp hữu cơ mẫu, trang trại trải nghiệm; nhà máy chế biến sữa; nhà máy bao bì; nhà máy phân bón hữu cơ; hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm; hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của HTX.
“Không chỉ tỉ mỉ, chi tiết từ các khâu chọn giống, chăm sóc đàn bò mà quá trình thu hoạch, chế biến sữa cũng được các thành viên của HTX thực hiện qua khá nhiều khâu, đòi hỏi kỹ thuật và độ an toàn cao. Nhờ những quy trình “khắt khe” đó, mỗi năm, HTX sản xuất ra khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao của OCOP", ông Hùng nói.
Ngoài khu vực HTX, hiện TP. Hà Nội cũng có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế – tiêu thụ nông sản như: Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội… đã tham gia đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cho dù các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, góp phần đẩy nhanh tiến độ hình thành các vùng trọng điểm, các khu chăn nuôi tập trung, các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đang khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của Thành phố.
Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 39 mô hình chăn nuôi ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Trong đó, các trang trại, HTX chăn nuôi thời gian qua đã tích cực đưa công nghệ vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, các HTX cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, với 122 HTX, trong đó có 3 HTX chăn nuôi. 100% sản phẩm chăn nuôi từ trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao. Hiện giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Các trang trại chăn nuôi đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp công nghệ cao, vì thế 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu là HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì…
Cũng phải thẳng thắn, các HTX, doanh nghiệp vẫn chưa hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Vấn đề dịch bệnh vẫn còn xảy ra nhiều và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và chuỗi giá trị sản xuất. Tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước về khoa học - công nghệ cho phát triển nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, các địa phương cần quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố; đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Lan Anh