Sản xuất rau sạch, rau an toàn là một trong những định hướng trọng điểm của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Những năm qua, Liên minh HTX TP. Hà Nội đã có chính sách khuyến khích các HTX xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lãi hàng chục triệu đồng nhờ trồng rau an toàn
Trước đây các hộ nông dân tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông, TP. Hà Nội sản xuất rau theo hướng truyền thống, nhưng từ khi HTX dịch vụ tổng hợp Hòa Bình triển khai mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, sản phẩm rau an toàn và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên và hộ nông dân, sản phẩm rau an toàn của địa phương đã mở rộng và tiêu thụ ổn định.
HTX dịch vụ tổng hợp Hòa Bình thu hút 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết: Hiện, HTX thu hút 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, HTX sản xuất các loại rau, củ, quả cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm, giúp cho hàng chục hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Hoàng Trung Dũng (tổ dân phố 6, phường Yên Nghĩa) cho biết, gia đình ông trồng rau từ năm 2008 đến nay. Nhưng từ ngày chuyển đổi sang trồng rau an toàn, cuộc sống ngày càng khấm khá, không còn cảnh "chạy ăn từng bữa". Thậm chí nhờ lợi nhuận mang lại tăng gấp 3 so với trước đây, nên gia đình ông Dũng đã mở rộng diện tích canh tác.
Với diện tích 4 sào ruộng, ông Dũng canh tác theo quy trình VietGAP khoảng 1 sào, còn lại là rau an toàn, chủ yếu canh tác các loại rau ăn lá theo mùa là rau muống, rau dền, cải mơ, cải ngồng, cải ngọt, rau lang, rau ngót, mồng tơi.
Ông Dũng phấn khởi cho biết, đa phần đầu ra của bà con hiện nay đều khá thuận lợi. HTX dịch vụ tổng hợp Hòa Bình đang thu mua tiêu thụ đến 100% sản lượng rau của gia đình, trong đó rau VietGAP luôn bán được cao hơn rau an toàn trung bình khoảng 1.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 1 tạ rau, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, nếu giá cả thuận lợi có thể thu lãi lên tới hơn chục triệu đồng.
Theo ông Vĩnh, HTX đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty... Mỗi ngày, HTX xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả…
Tuy nhiên, số lượng này mới chiếm 70% tổng sản phẩm, 30% còn lại các thành viên HTX vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Để ổn định, HTX mong muốn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn quận kết nối, giới thiệu địa chỉ tiêu thụ, giúp thành viên HTX, nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Trồng rau VietGAP thu nhập của HTX tăng 15%/năm
Truy xuất nguồn gốc và minh bạch sản phẩm là hai yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Hiện nay, mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 3,5 tấn rau trực tiếp đến các khách hàng. Trong đó có 2 siêu thị Lotte và 21 siêu thị trong chuỗi Big C, Go, Tops; 4 công ty, nhà máy; 18 trường học và 3 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Sản phẩm đa dạng về chủng loại, ổn định về sản lượng và đáp ứng tiêu chí “mùa nào sản phẩm ấy”.
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX cho biết, mỗi hộ dân khi tham gia vào HTX phải tuân thủ quy định 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách. HTX hỗ trợ các thành viên về tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ, vật tư. Hằng năm, HTX cũng thường xuyên tập huấn nông dân về kỹ thuật gieo trồng, canh tác đảm bảo quy trình VietGAP, GlobalGAP; về hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy chuẩn cần thiết.
Dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm rau của HTX Rau quả Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ |
Để đảm bảo các quy định này, HTX áp dụng quy trình giám sát chất lượng có sự tham gia của nhiều bên. Theo đó, hàng ngày, các thành viên trong nhóm hợp tác sẽ giám sát lẫn nhau trên đồng ruộng. Ngoài ra, cán bộ quản lý sản xuất của HTX cũng sẽ kiểm tra và giám sát sản xuất của các thành viên. Đại diện khách hàng cũng có thể giám sát đột xuất với tần suất ít nhất 1 lần/quý; siêu thị - nơi HTX cung cấp rau thực hiện kiểm tra mẫu rau theo ngày. Các cơ quan chức năng liên quan cũng thực hiện lấy mẫu kiểm tra ít nhất 6 tháng một lần.
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX chỉ có vài hộ tham gia, đến nay, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã thu hút 52 thành viên sản xuất. HTX đặt mục tiêu tăng lên 100 thành viên trong thời gian tới.
“HTX thu hút thành viên dựa trên 2 giá trị cốt lõi. Thứ nhất, khi vào hợp tác xã thì thu nhập của thành viên phải tăng lên. Họ chỉ việc tập trung sản xuất theo kế hoạch chung, còn HTX lo khâu tiêu thụ. Bởi vậy, cho đến thời điểm này, nông dân tham gia HTX đều tăng thu nhập theo từng năm, tối thiểu 5 – 10% nhưng giảm công lao động và năng suất tăng 20 – 25%”, ông Thám cho hay.
Là thành viên HTX, ông Hoàng Văn An (tổ dân phố Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn) đã có trong tay hơn 2.000m2 nhà lưới trồng dưa chuẩn công nghệ cao, đồng thời ông không ngừng học hỏi và áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới vào canh tác. "Với giá bán trên thị trường 40.000 đồng/kg, mấy vụ dưa đầu tôi luôn thắng lớn, sau khi trừ chi phí vụ ít cũng phải lãi trên 50 triệu, vụ nhiều thu về cũng gần 100 triệu đồng/1.000m2″, ông An chia sẻ.
Tương tự, ông Hoàng Văn Vị, thành viên HTX cho biết: Các sản phẩm do gia đình sản xuất đều được HTX rau, quả sạch Chúc Sơn bao tiêu với giá cố định 8.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mang về cho gia đình ông Vị hơn 200 triệu đồng/năm.
Đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Trong kế hoạch giảm nghèo của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Thành phố đặt mục tiêu giảm từ 25 - 30% số hộ nghèo hàng năm. Riêng năm 2023, Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo, tương đương giảm 642 hộ nghèo, đến cuối năm 2025, trên địa bàn không còn hộ nghèo, hỗ trợ xây nhà ở cho hơn 1.000 hộ nghèo, đảm bảo chế độ chính sách cho hộ nghèo theo quy định và cao hơn mức chung của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu, tạo động lực cho người nghèo vươn lên, Hà Nội đã nỗ lực triển khai linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có thể kể đến như các chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 (Chương trình số 04).
Thành công của các HTX trên cho thấy, mục tiêu giảm nghèo của Hà Nội đang dần đạt kế hoạch. Trong đó, bên cạnh sự nỗ lực, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường, mỗi HTX chủ động trong quá trình ứng dụng khoa học – kỹ thuật, mỗi thành viên HTX đều tự ý thức trong chuyển đổi tư duy sản xuất từ “tự cung, tự cấp” sang khoa học, an toàn, hiện đại. Các HTX còn đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Thực tế cho thấy mô hình sản xuất rau an toàn tại Hà Nội đang là một hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Liên minh HTX Thành phố Hà Nội cho biết: Mô hình trồng rau an toàn đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, giúp cho nhiều hộ nông dân tại địa phương thoát nghèo, đồng thời hạn chế một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ra môi trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo các HTX cho rằng, bên cạnh tự phát huy nội lực, các HTX cũng rất cần các chính sách hỗ trợ nhanh, mạnh, thiết thực hơn từ các cấp quản lý.
Hoàng Hà