Đến nay, huyện Lạc Dương có 3/5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện đã hoàn thiện đề án xây dựng huyện Lạc Dương đạt chuẩn NTM vào năm 2020. UBND các xã đã xây dựng đề án xã đạt chuẩn NTM, trong đó xã Đạ Sar đang triển khai xây dựng đề án NTM kiểu mẫu, thị trấn Lạc Dương có đề án xây dựng và phát triển đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh trên cơ sở vận dụng Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2021.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Với tiềm năng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng là thế mạnh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã quan tâm đầu tư để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người không ngừng nâng lên: năm 2010 đạt 12 triệu đồng/người/năm, năm 2019 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua từng năm, hiện còn 5,2% (trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7,3%).
Hoàn thành tiêu chí sản xuất đóng góp quan trọng để đưa Lạc Dương về đích huyện nông thôn mới trong năm 2020 (Ảnh: TL) |
Triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên xuống địa bàn cơ sở hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng mùa vụ, kế hoạch, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất ứng dụng CNC, đặc biệt xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt 8.878 ha, tập trung các cây trồng như: cà phê chủ yếu giống catimor với sản lượng trung bình 10.000 tấn/năm; rau các loại với sản lượng trung bình 155.700 tấn/năm; hoa khoảng 365 nghìn cành/năm; cây ăn quả 2.560 tấn/năm. Toàn huyện hiện có 740 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích trồng rau trong nhà kính đạt 500 - 800 triệu đồng/ha/năm, diện tích trồng hoa ước đạt 800 - 1.000 triệu đồng/ha/năm (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa ly ly).
Thông qua các mô hình liên kết đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân như chi phí đầu vào giảm so với bên ngoài, chủ động trong khâu canh tác, sản xuất đồng loạt, hạn chế sự bấp bênh của giá bán các sản phẩm nông sản sau thu hoạch… Vì vậy, nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất, qua đó tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.
Tận dụng lợi thế nông nghiệp công nghệ cao
Huyện Lạc Dương đã xác định có thế mạnh đặc trưng về phát triển nông nghiệp nên phải đi lên từ nông nghiệp, mà muốn phát triển nông nghiệp phải chú trọng đầu tư vào nông nghiệp CNC và nông nghiệp hữu cơ.
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Trên địa bàn huyện đã phê duyệt 4 khu, 1 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp CNC; trong đó có 1 khu nông nghiệp CNC quốc gia được Thủ tướng phê duyệt với quy mô 221,32 ha. Hiện, Lạc Dương thu hút hơn 28 doanh nghiệp, 10 HTX, 2 trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC, 25 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, huyện Lạc Dương cũng đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Đạ Sar, trở thành những mô hình điểm để từng bước nhân rộng trên địa bàn.
Trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, xây dựng thương hiệu cạnh tranh tích cực trên thị trường như: Công ty TNHH Nông trại SamGong, Kbil Vina, Hoa Thắng Thịnh… trồng dâu tây chất lượng cao; Công ty TNHH Nông trại Kiến Huy, VinEco… trồng rau, củ, quả; Công ty TNHH Dalat GAP, Rừng Hoa Bạch Cúc, Trang trại Trường Phúc… trồng rau thủy canh.
Thấy được lợi ích của những mô hình sản xuất xanh, trong thời gian tới, huyện lạc Dương tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, HTX và nông hộ trong việc chuyển giao, nhân rộng quy trình kỹ thuật canh tác không hóa chất, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch tập trung gắn với du lịch canh nông.
Điển hình trong số này là HTX Minh Thọ Organic, với thành viên là Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F (thị trấn Lạc Dương) đã tiên phong xây dựng mô hình nông trại hữu cơ.
Mô hình được xây dựng theo Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản (JAS), với trọng tâm là các sản phẩm trái cây phúc bồn tử (đặc biệt là phúc bồn tử đen), rau sạch và các sản phẩm chế biến từ phúc bồn tử như nước cốt, rượu vang, trà, mứt, socola…
Để có được giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nông trại của HTX phải vượt qua gần 1.000 tiêu chí đánh giá về môi trường, quy trình chăm sóc, đóng gói, sơ chế hàng sản xuất, về an sinh, đời sống công nhân, về đất, nước, phân bón, giống theo quy chuẩn sạch hữu cơ và cuối cùng là với tất cả lá cây trong nông trại phải vượt qua 256 chỉ tiêu “test” không hóa chất, không độc chất, không vi sinh vật yếm khí tác động đến cây trồng.
Trong đó, sản phẩm được canh tác và sản xuất theo môi trường tự nhiên kết hợp với bảo vệ cuộc sống cộng đồng, nghĩa là sạch từ con người đến sản phẩm. Các chuyên gia người Nhật đến kiểm tra, lấy mẫu lá cây trồng và cỏ xung quanh vườn làm mẫu để test chỉ tiêu theo chuẩn Organic của Nhật. Chỉ cần một mẫu “dính” hóa chất độc hại thì kết quả sẽ không đạt, không được cấp chứng nhận.
Nhà kính được làm thông thoáng, có phòng cách ly, che chắn lưới giữa các khu, giàn lưới nylon xen kẽ tạo môi trường thông thoáng. Quanh lối đi xuống vườn được trồng cây xanh tạo bóng mát, trong vườn được trồng xen các loại hoa cỏ và cây lá thơm (cây chanh sả) để dẫn dụ thiên địch.
Tại nông trại, những cây phúc bồn tử xanh tốt, cứng cáp và cho quả trĩu cành. Giống phúc bồn tử sau 18 tháng trồng là bắt đầu cho thu hoạch quanh năm. Khoảng thời gian từ khi ra hoa đến khi thu trái là 1,5 tháng. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn phúc bồn tử cho năng suất cao.
Thu hoạch ngày cách ngày, trung bình mỗi ngày công nhân thu hái 300 - 400kg trái phúc bồn tử, sản lượng mỗi tháng đạt khoảng 4 - 5 tấn. Hiện, công ty bán trái tươi phúc bồn tử đen ngoài thị trường là 700.000 đồng/kg, phúc bồn tử đỏ 350.000 đồng/kg.
Ngoài cung cấp sản phẩm quả tươi, HTX còn nghiên cứu chế biến quả phúc bồn tử thành nước cốt, mứt, trà, socola và đặc biệt là sản phẩm rượu vang phúc bồn tử được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Đức Nguyễn