Là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đạ Huoai, có đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cao nhất huyện với 80%, nhưng không những thoát khỏi xã nghèo vào năm 2017, mà Phước Lộc còn là địa phương giảm nghèo sâu nhất huyện với mức giảm tới 8,1% vào cuối năm 2019 và “về đích” nông thôn mới sớm nhất trong 3 xã nghèo.
HTX sầu riêng đóng góp lớn vào phong trào chung
Nhắc đến câu chuyện xóa đói giảm nghèo ở Phước Lộc, có lẽ ít ai biết đến anh Phan Văn Dược (thôn Phước Trung). Nhờ mạnh dạn và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Anh Dược đã khởi nghiệp thành công, thu về vài tỷ đồng mỗi năm từ việc cấp đông múi sầu riêng theo quy trình khép kín nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm.
Phát triển sầu riêng sạch là hướng đi giàu tiềm năng của HTX ở xã Phước Lộc, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết (Ảnh: Internet) |
Từ năm 2014 đến nay, sản lượng cũng như diện tích sầu riêng của gia đình anh Dược ngày càng tăng lên. Hiện tại, anh Dược đã đứng ra vận động một số hộ nông dân thành lập HTX sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai với thương hiệu sầu riêng Minh Hoàng Khôi.
Với 10 thành viên cùng hơn 15ha sầu riêng kinh doanh, mỗi năm HTX sản xuất được từ 20 - 30 tấn sầu riêng múi.
“Trang trại hoạt động khép kín từ khi hái sầu riêng đến khi thành phẩm và đưa ra thị trường. Với các tổ làm việc khác nhau, khi sầu riêng đã già thì tổ hái tiến hành thu hoạch rồi đưa về xưởng để vệ sinh bên ngoài. Toàn bộ được rửa bằng áp lực từ vô số các vòi nước được thiết kế trong hệ thống tự động. Sau đó, những quả sầu riêng này sẽ được phân loại và đưa vào những lồng sắt để ủ chín. Tiếp theo, những quả sầu riêng đạt chuẩn được đưa đến phòng bóc tách, lấy múi rồi sơ chế, đưa vào kho lạnh cấp đông làm cứng phần thịt trên múi sầu riêng. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra đóng gói vào những bao bì có trọng lượng 0,5kg rồi chuyển lại vào kho đông lạnh ở nhiệt độ -20 độ C chờ đưa ra thị trường”, anh Dược giới thiệu quy trình sản xuất sầu riêng múi.
Với phần vỏ, HTX đã dùng máy băm để cắt nhỏ, dùng phân vi sinh ủ rồi sử dụng làm phân bón cho chính những cây sầu riêng trong vườn. Với quy trình khép kín này, mỗi năm HTX sản xuất và đưa ra thị trường từ 20 - 30 tấn múi sầu riêng thành phẩm, mang về lợi nhuận trên 7 tỷ đồng. Hai sản phẩm chủ lực của HTX là sầu riêng nguyên chất dùng làm bánh kẹo và sầu riêng múi cấp đông.
Anh Dược cho biết, khoảng 4kg sầu riêng quả mới chế biến được 1kg múi thành phẩm. Sản phẩm của này có lợi thế rất cao là khi hết mùa sầu riêng nhưng vẫn có hàng để cung cấp cho nơi khác. Hiện tại, trong cơ sở của anh Dược có 2 kho trữ, 2 kho cấp đông, sản phẩm chủ yếu được xuất bán tại thị trường Hà Nội.
Sắp tới, anh Dược sẽ tìm hướng đi mới bằng cách sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ và sinh học để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, anh mong muốn địa phương hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng cũng như hoàn thiện hệ thống sản xuất sản phẩm sầu riêng cấp đông.
Cùng với các mô hình liên kết sản xuất khác trong sản xuất chè, điều và sầu riêng..., HTX sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của xã Phước Lộc nói riêng, huyện Đạ Huoai nói chung, nhất là tiêu chí về sản xuất, thu nhập và giảm nghèo.
Giảm sâu hộ nghèo và cận nghèo
Nhưng những câu chuyện thành công như cá nhân anh Phan Văn Dược hay HTX sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai nơi anh Dược đang công tác vẫn chưa nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà con nơi đây thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Mặc dù, theo báo cáo của xã Phước Lộc, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể từ 71 hộ năm 2016, chiếm tỷ lệ 10,55%, đến cuối năm 2019 chỉ còn 17 hộ, chiếm tỷ lệ 2,45%; hộ cận nghèo tương ứng là 37 hộ (5,5%) và 18 hộ. Xã thậm chí còn đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm còn 14 hộ nghèo (1,96%) và 7 hộ cận nghèo. Nhưng thực tế, Phước Lộc vẫn còn nhiều việc phải làm trong câu chuyện xóa đói giảm nghèo.
Các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, khuyến khích các mô hình sản xuất bền vững giúp Phước Lộc trở thành xã giảm nghèo sâu nhất huyện Đạ Huoai (Ảnh: Internet) |
Theo tìm hiểu, để giảm sâu được tỷ lệ hộ nghèo, từ đầu năm 2016, Đảng ủy xã Phước Lộc đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐU và UBND xã ban hành Kế hoạch số 22 chuyên đề. Trong kế hoạch dài hơi, xã cụ thể hóa từng năm để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã, cấp thôn, ngành và đoàn thể.Trong 5 năm, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nông nghiệp trên diện tích hơn 40ha.
Bên cạnh đó, Phước Lộc còn thực hiện các mục tiêu về cấp thẻ BHYT đạt với 100% người nghèo và cận nghèo; đào tạo nghề với 5 lớp nghề cho 117 lao động, giải quyết việc làm cho 215 lao động; hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở cho 23 hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ lĩnh vực giáo dục - đào tạo… Đến ngày 20/3/2020, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt trên 23,878 tỷ đồng với 578 hộ vay.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân của Phước Lộc là 11,8%/năm, đạt 79 tỷ đồng; 35% lao động qua đào tạo; 98% người dân tham gia BHYT; giá trị sản xuất đạt 87,7 triệu đồng/ha, vượt so với Nghị quyết giao đầu nhiệm kỳ 17,7 triệu đồng...
Dù con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với những thành công ban đầu, xã Phước Lộc vẫn mạnh dạn đặt ra các chỉ tiêu cao hơn trong giai đoạn mới, phấn đấu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 1,5%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về BHYT theo quy định; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng; 100% lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm…
Đặc biệt, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 - 70 triệu đồng; giá trị sản phẩm đạt khoảng 178,5 triệu đồng/ha và hoàn thành chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Rõ ràng, hành trình đi tìm sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân ở Phước Lộc còn rất xa, nhưng với cách làm mới, quyết tâm mới, và cả những nhân tố mới. Chắc chắn, một ngày không xa, Phước Lộc sẽ lập được một "kỳ tích" mới trong câu chuyện xóa đói, giảm nghèo ở Lâm Đồng.
Đức Nguyễn