Có thể nói, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và cây dược liệu đã trở thành “đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kon Plông, góp phần hiện thực hóa “mục tiêu kép” giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Hiện thực hóa “mục tiêu kép”
Trong những năm gần đây, huyện Kon Plông luôn tạo mọi điều kiện để kêu gọi, thu hút các dự án lớn về nông nghiệp vào đầu tư; đồng thời khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Phát triển dược liệu là một trong những thế mạnh tại huyện Kon Plông (Ảnh: Int) |
Hiện, huyện Kon Plông đã định hình vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp với sản phẩm đặc trưng như cà phê xứ lạnh dòng Aribica với khoảng 1.500ha, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý; quy hoạch vùng chuyên canh cây chè ở vùng Đông Trường Sơn tại xã Hiếu và Pờ Ê.
Chính quyền huyện Kon Plông cũng quan tâm hỗ trợ, vận động khuyến khích người dân các xã phát triển cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, như các loại cây dược liệu (sâm dây, hồng đảng sâm, đương quy) và cà phê xứ lạnh (Arabica), từ đó tạo việc làm và thu nhập cho lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, tổng diện tích vùng trồng dược liệu trên địa bàn là gần 275ha, cà phê xứ lạnh hơn 1.020ha. Ngoài ra còn có 778ha được khoanh vùng để bảo tồn, khai thác, phát triển các loại cây dược liệu như kim cương, ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, chuối rừng, sim rừng.
Các doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư vào phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm mới có sức hút trên thị trường nhờ doanh nghiệp đầu tư cho logo, nhãn mác, bao bì và phát triển thương hiệu. Một số sản phẩm OCOP nổi bật đạt từ 3-4 sao của huyện như rượu vang sim rừng Măng Đen, nước ép sim rừng, cao đương quy, cao hồng đảng sâm, tinh dầu tiêu rừng.
Nhờ biết tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà huyện Kon Plông đã dần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được thay đổi từ hình thức đến quy mô, giúp tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Kon Plông giảm còn 14,98% năm 2022 và có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, thời gian tới, huyện tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư để hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu. Phấn đấu thu hút, mở rộng được khoảng 500ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ để từng bước hoàn thiện 2 cơ sở vườn ươm giống; huy động, bố trí nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống nước tưới, điện tại các khu, vùng phát triển dược liệu và nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, hoa, cà phê xứ lạnh và cây dược liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường. Thúc đẩy xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm so với nông nghiệp thuần túy và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Mục tiêu là nhằm nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện tăng cao hơn 30%; trong đó giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đạt từ 30 - 35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chung của huyện. Đặc biệt, huyện có thêm từ 2-3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên mỗi năm.
Vai trò “đầu tàu” của kinh tế hợp tác
Đáng chú ý, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, huyện huyện Kon Plông rất chú trọng vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác. Theo đó, các HTX ngày càng phát huy vai trò “đầu tàu” trong liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn và gia tăng giá trị nông sản. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết, góp phẩn giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.
Các HTX ngày càng phát huy vai trò “đầu tàu” trong liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn và gia tăng giá trị nông sản (Ảnh: TL) |
Điển hình như HTX Rau hoa và Du lịch Thanh niên (thị trấn Măng Đen) được thành lập từ năm 2018. Trên tổng diện tích 1,8ha, HTX chủ yếu sản xuất theo mô hình hữu cơ, trồng rau trong nhà màng, với các loại rau như cải bó xôi, cải ngọt, cần tây, xà lách.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm nguồn rau sạch. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, các sản phẩm nông nghiệp được bán ra thị trường với giá vượt trội, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Ngoài việc tập trung sản xuất rau sạch, HTX còn chú trọng đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại chỗ và mong muốn liên kết phát triển thêm diện tích. Theo đó, HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc và bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm giúp bà con có thu nhập ổn định, vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo đại diện HTX, do phần lớn lao động là người dân tộc thiểu số, tuổi đời trẻ và ít kinh nghiệm về trồng trọt nông nghiệp, nên HTX tập trung đào tạo về khoa học - kỹ thuật để người lao động nắm vững kiến thức, từ đó mang lại hiệu quả nhất định.
“Trước đây, tôi tưởng cách chăm sóc loại rau nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, khi tham gia vào HTX mới nhận ra mỗi loại sẽ có cách ươm hạt giống, chuẩn bị đất trồng và chăm sóc khác nhau”, chị Y Vữ (làng Đăk Xô, xã Hiếu) chia sẻ.
Nhờ vào HTX, chị Y Vữ đã học được nhiều kỹ thuật trồng hay, hướng đến việc đưa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao về áp dụng tại làng để bà con cùng nhau phát triển.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen (xã Măng Cành) cũng là một điển hình trong việc liên kết với người dân trên địa bàn xã phát triển các loại cây dược liệu, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm từ dược liệu.
Đến nay, HTX đã liên kết với gần hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Măng Cành phát triển được hơn hàng chục héc ta cây dược liệu sâm dây (hồng đẳng sâm) và đương quy; hơn 200ha quế cùng hơn 4ha măng tây. Những hộ liên kết được HTX cung cấp nguồn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc các loại dược liệu và tất cả đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất. Toàn bộ sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu, thu mua và tiến hành chế biến ra các sản phẩm.
HTX đã đầu tư gần 4 tỷ đồng mua máy móc để chế biến sản phẩm từ dược liệu, chế biến ra các loại sản phẩm như: tinh dầu tiêu rừng, cao sâm, rượu sâm dây, trà túi lọc (chế biến từ sâm dây và đương quy). Các sản phẩm của HTX đã được bán tại các thị trường trong nước như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận.
Phương Linh