Huyện xác định rõ phương châm xây dựng NTM “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Việc nâng cấp từ các Tổ hợp tác (THT) lên thành HTX để nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất bài bản… đang góp phần nâng chất nông thôn mới trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng nông sản
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Tâm 3 ở xã Thường Thắng là một ví dụ. Trước đây, với 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và hơn 10 ha ruộng lúa hữu cơ của Tổ hợp tác chưa cho năng suất cao nhưng bảo đảm tiêu chuẩn sạch. Thu nhập của các “cổ đông” cũng cao hơn, sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhờ vậy Tổ hợp tác ngày càng phát triển, đến giữa năm 2017 thì chính thức “nâng cấp” thành HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 với 52 hộ tham gia.
Nhiều tuyến giao thông nông thôn ở Hiệp Hòa được nâng cấp, bê tông hóa, góp phần xây dựng NTM. |
Từ khi nâng lên thành HTX, các sản phẩm gạo sạch, rau quả sạch của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu.
Giám đốc HTX, ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết, hiện nay, HTX đang thực hiện hợp đồng với một công ty của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF.
Trên địa bàn huyện Hiệp hòa còn có HTX Chăn nuôi Trường Thành là đơn vị chăn nuôi và chế biến thịt lợn sạch hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận. HTX đã áp dụng mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín, mô hình này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, mà còn bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Từ năm 2015, nắm bắt nhu cầu của thị trường và thực phẩm sạch. HTX bắt đầu chuyển hướng sang chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để chủ động về nguồn con giống khỏe mạnh, 300 con lợn nái giống ngoại được HTX nuôi. Để xử lý triệt các chất thải trong chăn nuôi, các thành viên HTX sử dụng hầm hầm khí biogas và đệm lót sinh học nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Tô Hiến Thành, Giám đốc hợp tác cho biết: “So với phương pháp truyền thống, nuôi lợn theo quy trình VietGAP tốn nhiều công hơn. Tuy nhiên, phương pháp này lại giúp chúng tôi kiểm soát được dịch bệnh. Bảo vệ môi trường và quan trọng nhất là sản phẩm được thị trường đón nhận”.
Nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã.
KTTT, HTX là “đòn bẩy” cho NTM nâng cao
Ngoài hai HTX kể trên, ở Hiệp Hòa còn nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá hiệu quả. Chẳng hạn HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang tận Hàn Quốc để làm món Kim chi nổi tiếng. Bưởi Diễn của HTX Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội. Gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền... Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Sau khi Nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Hiệp Hòa” được chính thức bảo hộ, UBND huyện đã tổ chức hoạt động cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 30 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. |
Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện tiếp tục dồn điền đổi thửa, bố trí kinh phí xây dựng nhà lưới, hạ tầng giao thông, thủy lợi... Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào cung ứng giống, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Theo bộ tiêu chí mới, đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thay bằng triển khai 14 tiêu chí thì việc thực hiện xã chuẩn nông thôn mới nâng cao phải triển khai 19 tiêu chí. Đặc biệt các chỉ tiêu trong các tiêu chí đã được nâng lên, đòi hỏi sự chủ động của các xã.
Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết: Bộ tiêu chí xây dựng NTM của Trung ương trong giai đoạn này được nâng cao hơn so với trước, trong đó 19 tiêu chí xây dựng NTM đều nâng cao về chất lượng. Ví dụ như đối với các xã là bắt buộc phải xây dựng được sản phẩm OCOP; xây dựng khu du lịch sinh thái của từng xã. Bên cạnh đó, các tiêu chí về môi trường, xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là việc đánh giá sự hài lòng của người dân phải đạt cao hơn so với trước.
Trong bối cảnh đó, Tổ hợp tác, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tiêu biểu đã dần chuyển sang mô hình HTX như: HTX Nuôi trồng thuỷ sản Quế Sơn (Hiệp Hòa). Ngoài ra, nhiều Tổ hợp tác, chi hội nông dân cũng đang hướng tới phát triển thành HTX và xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: Chi hội nông dân nghề nghiệp Sản xuất, tiêu thụ bánh chưng Vân, xã Hoàng Vân…
Nhằm nâng cao hiệu quả NTM, “mở lối” cho các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, hiện nay huyện Hiệp Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Đồng thời, xây dựng dự án quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để phát triển vùng tập trung quy mô lớn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Ngô Anh