Do kết hợp được kinh nghiệm sản xuất lâu đời và thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật khoa học tiên tiến vào chăm sóc, vượt qua khó khăn từ thời tiết bất lợi, người trồng nhãn đã có được “trái ngọt” đầu mùa, với tỷ lệ đậu quả cho thu hoạch gần 90%.
“Trái ngọt” đầu mùa
Điển hình như gia đình anh Trịnh Ngọc Tiệp ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động). Do biết cách xử lý cho cây ra hoa, đậu quả sớm, từ cách đây khoảng một tháng, nhà anh đã có nhãn chín sớm nên bán được giá cao.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, các vườn nhãn chín sớm có tỷ lệ đậu quả cho thu hoạch gần 90% (Ảnh: TL) |
Với 4,5 mẫu trồng nhãn (3.600 m2/mẫu), anh Tiệp rải vụ thành 3 trà gồm: trà sớm, trà trung, trà muộn. Theo đó, cơ bản anh vẫn áp dụng các hình thức chăm sóc truyền thống như chăm bón cho cây phát triển cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng nhãn khác trong tỉnh, anh đã lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy nhãn ra hoa sớm.
Hiện nay, 40 cây của gia đình anh Tiệp đã bắt đầu cho thu hoạch, được khách hàng đặt mua từ trước. Ước tính, vụ nhãn này, anh thu trên 1 tấn quả, mang lại thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng.
Anh Tiệp cho biết: “Để có nhãn ra hoa, đậu quả sớm đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật thâm canh cao, hiểu đặc tính từng giống, sức khỏe của từng cây và điều kiện thời tiết để quyết định chính xác thời gian tác động đến cây trồng. Chính vì khó làm như vậy nên tại vườn của gia đình tôi cũng chỉ có khoảng 70% cây nhãn được tác động trổ hoa, đậu quả sớm theo ý muốn”.
Một điển hình khác là ông Đặng Văn Xây, Giám đốc HTX Nhãn lồng Hồng Nam ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) - một trong những người tiên phong phát triển nhãn chín sớm. Theo đó, ông Xây đã trồng một số giống nhãn chín sớm và áp dụng biện pháp cơ học để kích thích ra hoa, đậu quả sớm. Với 1,6 mẫu trồng nhãn, năm nay, ông có 5 sào (360 m2/sào) nhãn chín sớm cho sản lượng khoảng trên 1 tấn quả.
Sản lượng nhãn năm nay của Hưng Yên ước đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, cao hơn năm 2019 khoảng 18.500 tấn (Ảnh: TL) |
“Xuất phát từ suy nghĩ muốn rải vụ thu hoạch nhãn để tránh mất giá nên những năm gần đây, tôi bắt đầu mày mò học hỏi kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả sớm. Từ tháng 8 âm lịch năm ngoái, tôi theo dõi sát sao sự phát triển của cây và căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm tác động khoanh cành kích thích cho cây ra hoa. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và để bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi chỉ dùng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch ít nhất một tháng”, ông Xây chia sẻ.
Với cách làm đó, từ đầu tháng 4 âm lịch, ông Xây đã có nhãn chín để xuất bán. Nhãn chín sớm có quả to, mẫu mã đẹp, cùi giòn, vị ngọt đậm nên được thị trường ưa chuộng; giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 - 2 lần thời điểm chính vụ.
Sản xuất sạch không lo đầu ra
Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng 70% diện tích trồng nhãn ra hoa, đậu quả. Một số diện tích nhãn được người dân xử lý cho ra quả chín sớm đã và đang cho thu hoạch tập trung tại các địa phương như các xã: Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng. Đến nay, các nhà vườn thu hoạch được trên 7 tấn nhãn chín sớm với giá bán trung bình từ 35.000 đồng/kg trở lên.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, để khắc phục tình trạng nhãn chính vụ thu tập trung trong một thời điểm sẽ bị thương lái ép giá, những năm gần đây, người dân ở một số địa phương trong tỉnh đã và đang chuyển sang thâm canh các giống nhãn chín sớm và áp dụng khoa học kỹ thuật để “điều khiển” nhãn ra hoa, đậu quả sớm nhằm nâng cao giá trị thu nhập.
Theo số liệu của Phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT, vụ nhãn năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 4.845ha nhãn các loại; trong đó diện tích nhãn chín sớm chỉ chiếm diện tích rất nhỏ, lác đác ở một số địa phương. Theo nhận định của ngành chuyên môn và các hộ sản xuất, năm nay tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả non đạt từ 85 - 90%; sản lượng nhãn ước đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, cao hơn năm 2019 khoảng 18.500 tấn.
Để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, những năm qua, tỉnh đã xây dựng các mô sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhãn cho nông dân… Nhờ vậy, nhiều nông dân đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, nhãn trà chính vụ đang giai đoạn quả non, người dân tập trung chăm sóc nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, đồng thời tích cực, chủ động tìm đầu ra cho quả nhãn.
Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không vì giá bán cao mà thu hoạch nhãn khi quả còn xanh...
Đức Nguyễn