Xã Húc Động là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mà đông nhất là người Sán Chỉ, người Tày với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo… Đây cùng là địa phương nhiều năm liền thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao biên giới Bình Liêu. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bà con trong phát triển kinh tế, mà hết năm 2019, xã đã thoát khỏi diện xã 135.
Cơ sở sản xuất miến quy mô
Húc Động là xã có diện tích trồng dong riềng lớn nhất huyện Bình Liêu với hơn 50ha, chiếm 2/3 diện tích trồng dong toàn huyện. Cây dong riềng là cây chủ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã. Các cơ sở ở đây không chỉ thu mua củ tươi trên địa bàn xã mà còn thu mua nguyên liệu từ xã bạn, huyện khác để làm miến dong theo phương pháp thủ công.
Sợi miến Húc Động có phần thô, to và không được bóng bẩy như nhiều loại miến khác trên thị trường nhưng thơm ngon nức tiếng vì được làm hoàn toàn từ tinh bột củ dong riềng, không pha chất bảo quản, khi ăn có vị ngọt mát, giòn và nấu kỹ không nát.
HTX Phát triển Đình Trung là một trong những cơ sở sản xuất miến dong dẫn đầu sản lượng của địa phương. Trong khuôn viên rộng chừng 200m2, 20 công nhân là người Sán Chỉ miệt mài bên dây chuyền sản xuất được đầu tư khá bài bản gồm 2 máy rửa củ, 2 máy xát, 2 máy lọc miến. Mỗi người một việc, người rửa củ, lọc bột, người tráng, cắt và phơi rồi đóng gói…
Anh La A Nồng đang kiểm tra mẻ miến vừa làm (ảnh T/L) |
Ông La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) cho biết: “Năm 2014, tôi thành lập HTX với 8 thành viên đều là người dân tộc Sán Chỉ, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến nay, HTX chủ yếu tập trung sản xuất, chế biến miến dong; sản lượng hàng năm đạt khoảng 30 tấn, lợi nhuận trung bình khoảng 350 triệu đồng”.
Sản xuất miến dong có khoảng 23 công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn đóng vai trò quan trọng tác động tới chất lượng miến; nhưng quan trọng nhất là 2 công đoạn “làm bột” và “tráng bìa”, nếu không cẩn thận miến sẽ nát vụn, nhão, mất ngon – Anh Nồng chia sẻ.
Chủ động trong sản xuất
Thời gian qua, sản phẩm miến dong Bình Liêu tiêu thụ tốt trên thị trường, nhiều cơ sở làm miến nhỏ lẻ của người dân cũng ra đời, ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu sản xuất của HTX.
Năm 2016, HTX chỉ có khoảng 0,5ha trồng cây dong riềng, sản lượng 9 tấn nguyên liệu/năm, chỉ đáp ứng khoảng 15% công suất, còn lại phải thu mua của người dân. Miến sản xuất theo mùa thu hoạch cây dong riềng, tầm 6 tháng ( từ tháng 9 kéo đến hết tháng 3 năm sau). Thời gian còn lại, HTX phải dừng hoạt động vì không có nguyên liệu sản xuất.
Để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất ổn định, từ năm 2017, HTX tiến hành thuê diện tích 2,5ha tại xã Vô Ngại để trồng cây dong riềng.
Đặc biệt, HTX không trồng dong riềng đồng loạt theo vụ, mà trồng gối nhau theo từng diện tích cụ thể để đảm bảo quanh năm có nguyên liệu làm miến.
HTX phát triển thúc đẩy kinh tế hộ phát triển |
Cùng với việc tự chủ nguồn nguyên liệu, thời gian qua HTX không ngừng đổi mới quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trước đây HTX dùng máy ép ren để thái thành sợi miến, rồi đem phơi khô (thời gian 3 ngày). Hiện HTX sử dụng máy dao để thái miến, sản lượng tăng gấp 3 lần (thời gian 1 ngày).
Để nâng cao sức cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, HTX đã thay mẫu mã, kích cỡ bao bì phù hợp với trọng lượng của sản phẩm, thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ. Sản phẩm miến của HTX được tiêu thụ tại các hội chợ hàng OCOP của huyện, tỉnh, có mặt ở các thị trường lân cận như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh...
Dịp tết 2020, miến dong của HTX bán được giá cao hơn mọi năm. Bán buôn năm ngoái 70.000 đồng/kg, năm nay được 80.000 đồng/kg. Bán lẻ thì 85.000-90.000 đồng/kg. Thành viên HTX, bà con nông dân ai cũng phấn khởi vì thu nhập năm nay cao hơn năm ngoái. Trung bình mỗi hộ sau 3 tháng làm miến thu hoạch được từ 70 triệu đến 100 triệu.
Nhờ HTX đi tiên phong mở lối cho nghề làm miến dong theo hướng sản xuất hàng hóa mà nhiều hộ có công ăn việc làm, hoặc học hỏi rồi tự sản xuất vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, nhiều hộ đã có nhà đẹp, có nhà mua xe máy, ô tô, đường sá thông thoáng thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Bộ mặt nông thôn mới tại xã thay đổi từng ngày.
Phương Thảo