Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP là giải pháp giúp các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. HTX Việt Hoàng là một trong số đó. Đến nay HTX có 2 sản phẩm đăng ký thương hiệu OCOP của TP Hạ Long.
Tự tìm hướng đi riêng
Xuất phát điểm từ hộ kinh doanh cá thể, chuyên kinh doanh sản phẩm đông trùng hạ thảo tại nhà, chị Nguyễn Thị Trang nhận thấy, đây là một loại thảo dược có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe, có giá trị cao trong đông y, được nhiều người tiêu dùng sử dụng. Tuy nhiên, trên địa bàn Quảng Ninh chưa có cơ sở nào nuôi, chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo nên chị muốn đầu tư, phát triển lĩnh vực này.
Chị Trang đã trực tiếp đến Viện Bảo vệ Thực vật Trung ương ( Bắc Từ Liêm -Hà Nội) tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm. Sau đó được Trung tâm chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ, phôi giống để chị nuôi đông trùng hạ thảo.
![]() |
Cán bộ kỹ thuật HTX Việt Hoàng đang kiểm tra quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo (ảnh TL) |
Đầu năm 2017, chị Trang đầu tư hệ thống nhà xưởng 30m2, máy điều hòa, hệ thống giá treo, máy lọc không khí đáp ứng yếu tố phù hợp nuôi đông trùng hạ thảo.
Do đặc thù, quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo rất khó, phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều khâu khác nhau. Trước hết phải chuẩn bị hệ thống lọc khí nhiệt độ và giá thể hấp tiệt trùng, cấy giống sau đó đưa giá thể vào buồng tối trong vòng 7 ngày.
Giá thể để nuôi cây nấm có thể tận dụng sản phẩm như: Gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, bột nhộng tằm và có bổ sung một số vi lượng thiết yếu hoặc ký sinh vào sâu non (nhộng tằm). Sau 7 ngày đưa vào phòng tiêu chuẩn đảm bảo nhiệt độ 19 độ C, độ ẩm 80 - 85%, theo dõi nấm phát triển cho thu hoạch từ 65 - 70 ngày.
Để mở rộng quy mô sản xuất, chị Trang quyết định thành lập HTX Việt Hoàng vào tháng 8/2018 với 7 thành viên. Mục tiêu của HTX mở rộng nuôi cấy, chế biến đông trùng hạ thảo thành các sản phẩm dược liệu có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng. Chỉ sau một năm hoạt động, HTX Việt Hoàng đảm bảo nuôi trên 3.000 giá thể/đợt (khoảng 70 ngày) với sản lượng đạt khoảng 12kg sợi đông trùng hạ thảo.
Sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hạ Long
Sau khi thu hoạch, sợi đông trùng hạ thảo được HTX liên kết chế biến thành 7 sản phẩm, gồm: Rượu, trà, viên nang, mật ong... Trong đó, HTX liên kết với Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) sản xuất ra 2 sản phẩm là viên nang đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo được người tiêu dùng đánh giá cao.
![]() |
Sản phẩm của HTX Việt Hoàng tham gia hội chợ OCOP tại địa phương (ảnh TL) |
Nhờ chịu khó mầy mò, tìm hiểu và liên kết với các đối tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm của HTX ngày một phát triển. Năm 2018, HTX đạt doanh thu 700 triệu đồng; 2019 khoảng 1,3 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 1,7 tỷ đồng. HTX tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX Việt Hoàng có 2 sản phẩm là trà đông trùng hạ thảo và viên nang đông trùng hạ thảo đã được đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP của TP Hạ Long. Sản phẩm của HTX mang đi giới thiệu quảng bá tại các Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh cũng như tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đều được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Việt Hoàng cho biết, HTX đã làm hồ sơ trình địa phương, các ngành liên quan hỗ trợ mặt bằng đầu tư mở rộng nhà xưởng để nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Đồng thời, mở rộng quảng bá sản phẩm của HTX đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. HTX đẩy mạnh liên kết với các Viện nghiên cứu dược liệu cho ra những sản phẩm mới được chiết xuất từ đông trùng hạ thảo ra thị trường, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Phương Thảo