Ngoài hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng rừng bền vững của HTX Phú Hưng đã và đang góp phần không nhỏ trong bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu trên vùng đất quanh năm nắng gió này.
Ấm no nhờ không “ăn xổi”
Năm 2015, HTX Phú Hưng chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và nhanh chóng thay đổi cách thức hoạt động để thích ứng với mô hình mới.
Rừng trồng theo chứng chỉ FSC của HTX Phú Hưng luôn đạt chất lượng tốt nhất. |
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Nguyễn Thể - Giám đốc HTX Phú Hưng kể, “vốn liếng” lúc đó chỉ có 160 ha rừng trồng của thành viên HTX cũ để lại nhưng thiếu chăm sóc nên mỗi ha rừng chỉ có giá trị vài triệu đồng.
“Đứng trước khó khăn nên trồng rừng sao cho hiệu quả khiến tôi cùng anh em trong HTX phải mất nhiều đêm suy nghĩ để tìm cách thay đổi từ ngần ấy vốn rừng. Không chịu bó tay đứng nhìn, khi thấy thông tin các tỉnh bạn trồng rừng theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC, tôi khăn gói đi tìm hiểu ngay”, ông Thể nói.
Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, do Hội đồng quản trị rừng quốc tế xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Để có chứng chỉ đạt chuẩn FSC, nhà sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ rừng phải cung cấp và chứng minh bằng các hồ sơ, tài liệu chi tiết về: Nguồn gốc sản phẩm; các chương trình đã triển khai, bản kế hoạch về khai thác và trồng mới rừng; các chương trình đảm bảo lợi ích xã hội, môi trường và cho người dân bản địa. Chứng chỉ FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu bởi độ uy tín và xác thực.
Ông Thể cho biết, ban đầu, HTX đã thành lập nhóm chứng chỉ rừng gồm 8 hộ tham gia với diện tích rừng FSC là 87 ha. Trong lần đầu khai thác thu được tổng hơn 800 tấn gỗ với giá bán cao hơn giá thị trường 1,2 triệu đồng/tấn. Đến nay, trữ lượng gỗ thu được của HTX đã đạt mức kỷ lục 180 tấn/ha, vượt xa so với trữ lượng trồng rừng FSC ở các địa phương khác.
“Hiện nay, HTX Phú Hưng đang tiếp tục tận dụng tối đa lợi thế địa phương trong việc trồng rừng. Trong gần 280 ha rừng của HTX, có tới 116 ha rừng tràm trồng theo tiêu chuẩn FSC đang được khai thác, lợi nhuận cao hơn 20% - 30% rừng thường, doanh thu trung bình đạt 6 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, tiếp tục tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương”, Giám đốc Nguyễn Thể chia sẻ.
Không chỉ trồng và phát triển rừng bền vững, HTX Phú Hưng còn đảm nhận 10 khâu dịch vụ thành viên: điều hành tổ chức sản xuất, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, bảo vệ đồng ruộng, thú y, sản xuất cây giống lâm nghiệp, thuỷ nông, tín dụng nội bộ và dịch vụ vệ sinh môi trường. Trong đó, có 5 khâu dịch vụ không thu phí nhằm hỗ trợ các thành viên trong HTX phát triển sản xuất, 2 khâu dịch vụ có tính phí, mang tính kinh doanh cho thành viên HTX là tín dụng nội bộ và sản xuất, kinh doanh gỗ rừng trồng.
Với nguồn vốn ổn định, bình quân mỗi năm, HTX cho 30 hộ vay vốn với thủ tục đơn giản, trong đó có những thành viên được vay tới 200 triệu đồng/năm.
“Hiện tại, HTX đang liên kết chặt chẽ với Công ty nhựa thông Quảng Phú, Công ty nhựa thông Bình Trị Thiên, Công ty Container Nghệ An, Công ty Lâm sản Thừa Thiên Huế, Công ty gỗ XNK Thanh Hòa, Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ… để đưa sản phẩm ra thị trường đảm bảo mức giá ổn định và hợp lý, giúp thành viên và hộ dân liên kết tăng thêm thu nhập”, ông Thể nói.
Ngoài ra, HTX còn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình khai thác rừng. Năm 2020, các nhóm hộ có chứng chỉ rừng ở Quảng Trị đã đưa vào hoạt động phần mềm quản lý theo dõi trên thiết bị điện thoại nên chỉ cần chiếc smartphone có kết nối internet thì Ban giám đốc HTX Phú Hưng có thể dễ dàng cập nhật bản đồ hiện trạng, tọa độ của rừng, thông tin cụ thể vị trí và loại rừng để quản lý. Nhờ đó mà công tác quản lý rừng, hỗ trợ các thành viên được thuận tiện hơn.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Người dân trong vùng cho biết, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại những lợi ích về môi trường. Nhờ đó, rừng tại xã Hải Phú luôn có độ phủ xanh cao, hạn chế nhiều thiệt hại khi có thiên tai gió bão.
Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Hải Lăng có sự tham gia đóng góp tích cực của khu vực kinh tế hợp tác, trong đó có HTX Hải Phú. |
Không chỉ mạnh trong công tác làm kinh tế, HTX Phú Hưng còn là một trong những HTX kiểu mẫu góp phần không nhỏ trong phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới của xã Hải Phú nói riêng và của huyện Hải Lăng nói chung.
Năm 2016, xã Hải Phú đã hoàn thành đủ 19 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới và nằm trong số 12 xã hoàn thành xuất sắc mục tiêu xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo trong toàn huyện Hải Lăng.
Trong năm 2022, huyện Hải Lăng đã huy động được nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đạt 143 tỷ đồng, trong đó HTX Phú Hưng cùng các HTX khác trên toàn huyện đóng góp hơn 31 tỷ đồng.
Từ những nguồn lực dồi dào, huyện Hải Lăng thuận lợi tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 86,6%; tiêu chí huyện nông thôn mới đạt 4/9 và 5 tiêu chí còn lại đã tiệm cận với tiêu chuẩn quy định.
Giám đốc Nguyễn Thể cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX Phú Hưng luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng để được tư vấn, triển khai thực hiện những chính sách phát triển có hiệu quả.
Trong năm 2023, HTX Phú Hưng tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn, giúp các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. “Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu với những mục tiêu cao nhất, hỗ trợ các thành viên các trang thiết bị mới để nâng cao diện tích khai thác rừng theo chứng chỉ FSC. Đồng thời, mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo huyện Hải Lăng trong giải quyết vấn đề đất đai. Qua đó giúp các thành viên trong HTX có thể an tâm canh tác, thuận lợi sản xuất và phát triển kinh tế”, ông Thể chia sẻ.
Đức Quang