Ở vùng ven biển nổi danh với “Sự tích quả dưa hấu” của Mai An Tiêm, huyện Nga Sơn đang mở rộng nhiều cánh đồng lớn trồng dưa hấu, khoai tây và rau màu. Sự đổi thay đó chỉ có được khi các hộ nông dân đã vững tâm đầu tư sản xuất, bởi có vai trò đồng hành của chính quyền, HTX và DN.
Chuyển động mới ở Nga Sơn
Thời gian qua, Nga Sơn đã đẩy mạnh công tác quy hoạch ruộng đất, dồn điền đổi thửa, khuyến khích nông dân, các thành phần kinh tế tích tụ đất đai để phát triển sản xuất. Nhiều chính sách đặc thù của huyện cũng hướng tới giúp dân chuyển đổi các loại cây trồng có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018 này, UBND huyện xây dựng kế hoạch gieo trồng 1.696 ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu dưa hấu, ngô, khoai tây, lạc và rau đậu các loại…
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đề ra, từ khâu bố trí thời vụ sản xuất đến việc chuẩn bị giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nga Sơn cũng chủ trương đa dạng hóa các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và hình thành vùng chuyên canh tập trung.
Nổi bật nhất là huyện tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ vụ Đông của tỉnh, các chính sách hỗ trợ riêng của huyện, đồng thời chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết với các DN chuyên cung ứng vật tư, bao tiêu nông sản, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, phát triển cây trồng vụ đông trên địa bàn.
Để giúp giảm gánh nặng đầu tư cho người dân, các cấp ngành ở huyện đẩy mạnh liên kết HTX, nông dân với các với DN (công ty Tiến Nông, công ty Phân lân Văn Điển…) để cung ứng phân bón. Như thế, mỗi năm, các DN đã cung ứng hàng trăm tấn phân bón và cử cán bộ kỹ thuật về huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật.
HTX Nga Yên giúp nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp
Điểm sáng HTX Nga Yên
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, nhiều HTX đã đầu tư đáng kể đổi mới trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động. Liên minh HTX tỉnh đang tiếp tục cùng các cấp ngành vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc cho các HTX, nhất là liên kết HTX - DN trong chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản phẩm.
Thanh Hóa hiện có 911 HTX. Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, tỉnh đã dự kiến tới đây chọn HTX Nông nghiệp Nga Yên (huyện Nga Sơn) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (huyện Hậu Lộc) làm điểm xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong xu thế các cấp ngành quan tâm đến mô hình HTX, UBND xã Nga Yên đã tạo nhiều điều kiện giúp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Cũng nhờ đổi mới hoạt động các dịch vụ, HTX Nga Yên đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo lời của Giám đốc HTX Nga Yên - ông Mai Đăng Bắc, trước yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, HTX thực sự phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng kịp thời tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ nhiều năm nay, HTX Nga Yên đã trực tiếp chỉ đạo và điều hành vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn theo đề án của tỉnh và huyện. HTX trực tiếp thâm nhập thị trường, liên kết với các DN có uy tín, có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến nông sản cho nông dân.
Đáng kể như, HTX Nga Yên hợp tác với một DN ở tỉnh Hải Dương triển khai trồng 7,5 ha dưa hấu, hiện đã ra những lứa quả đầu tiên, mang theo nhiều triển vọng bởi DN đã nhận bao tiêu đầu ra.
Để chủ động hơn khâu bảo quản ban đầu, HTX đã đầu tư dự án hàng trăm triệu đồng, để xây dựng được một kho lạnh có sức chứa 30 - 40 tấn sản phẩm sau thu hoạch. Từ đó giúp HTX chủ động hơn trong các khâu dịch vụ triển sản xuất cho thành viên và người dân.
Cũng với ưu thế đó, HTX Nga Yên đứng ra ký kết với các DN, rồi thu mua các loại nông sản cho nông dân. Mỗi năm, HTX bao tiêu hàng chục tấn nông sản hàng hóa trong huyện, đáp ứng kịp thời thị trường trong và ngoài địa bàn huyện Nga Sơn.
Lưu Đoàn