Sóc Trăng là tỉnh có tiềm năng lớn về các loại cây ăn trái đặc sản với tổng diện tích hơn 29.000ha như: sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, cam, bưởi và đặc biệt là trái vú sữa tím (gần 1.600ha). Chính vì thế, Công ty TNHH XNK Vina T&T và Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (TP. Hồ Chí Minh) đã ký kết cùng HTX Nông nghiệpTrinh Phú và Tổ hợp tác (THT) Quyết Thắng xã Xuân Hòa (Kế Sách) thu mua vú sữa tím để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, với tổng sản lượng 400 tấn/năm. Chuyện trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ không mới. Tuy nhiên, trái vú sữa Sóc Trăng đạt chuẩn VietGAP được xuất khẩu sang Mỹ mở ra cách nhìn mới về cây trái miền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi trái vú sữa lâu nay bán chợ là chủ yếu.
Vú sữa có mã code vùng trồng
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú được thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là kinh doanh trái vú sữa, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc BVTV… HTX có 42 hộ thành viên, diện tích cây vú sữa được trồng hiện nay tại HTX là 32,7 ha. Hầu hết diện tích vú sữa của các thành viên HTX đều được canh tác theo hướng an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Nhiều diện tích được bao trái, thậm chí được bao lưới cả vườn.
Vú sữa Sóc Trăng ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình tại thị trường trong và ngoài nước |
Cũng theo giám đốc HTX: Dù có cực hơn đôi chút so với canh tác theo tập quán cũ nhưng giá trái bán cao gấp 2, 3 lần; không tốn chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng các loại chế phẩm sinh học, an toàn sức khỏe bản thân và có điều HTX tâm đắc nhất là trái vú sữa có mã code vùng trồng, có thương hiệu nên không thể pha lẫn với các loại vú sữa của các tỉnh khác. Do vậy, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, tạo thương hiệu riêng và đáp ứng tốt thị trường Mỹ, vì đây là uy tín của HTX trên thương trường.
Để trái vú sữa xuất ngoại là công sức của cả tập thể doanh nghiệp, HTX, thành viên tham gia trồng, và sự hỗ trợ khoa học kỹ thuật của các đơn vị liên quan…
Năm 2018, HTX được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích là 32,4 ha và được Công ty thu mua lại vú sữa trái để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tổng cộng 8,5 tấn, giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 18.000 đồng/kg. Mặc dù sản lượng vú sữa xuất khẩu năm 2018 của HTX chưa nhiều nhưng đây là động lực để tạo niềm tin cho bà con xã viên tiếp tục sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2019, HTX tiếp tục được Ban Quản lý dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 11,4 ha. HTX vẫn duy trì ký kết hợp đồng với Công ty TNHH XNK Vina T&T để xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng ước đạt 150 tấn, giá 31,000 đồng/kg, cao hơn thị trường 17.000 đồng/kg.
Nâng cao giá trị trên cùng diện tích
Ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch UBND xã Trinh Phú cho biết: “Nếu giá bao tiêu trái vú sữa với Công ty TNHH Vina T&T ổn định như hiện nay (31.000 đồng/kg) thì doanh thu từ vú sữa ở đây là không dưới 1 tỉ đồng/ha, chi phí chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu. Đó là tính với năng suất trung bình 30 – 35 tấn/ha, cá biệt có những hộ năng suất cao 60 – 70 tấn/ha, như hộ ông Hồ Văn Hội ở ấp 2”.
Tổng nguồn vốn điều lệ của HTX là 205 triệu đồng. Hàng tháng, các thành viên được hỗ trợ vốn xoay vòng mua vật tư nông nghiệp; vốn góp xoay vòng là 10 triệu đồng/người và được ngành chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trong tổng số thành viên của HTX thì có 37 thành viên phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết tiêu thụ trái vú sữa tím của HTX Trinh Phú và doanh nghiệp năm 2019 |
Để phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Trinh Phú thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu của thị trường. Xu thế hiện nay là sản phẩm phải sạch, ngon và đặc biệt đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên HTX hết sức chú ý đến quy trình kỹ thuật canh tác để đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Thành viên, bà con tham gia trồng vú sữa cố gắng sản xuất ra nhiều sản phẩm loại 1 để nâng cao giá trị kinh tế, đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính là Mỹ. Tuy nhiên, phải đảm bảo lợi ích giữa thành viên với doanh nghiệp, thậm chí chia sẻ rủi ro để phát triển ổn định, bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết đánh giá: “Kết quả liên kết tiêu thụ giữa các công ty với HTX, THT tại tỉnh trong thời gian qua là bước khởi phát rất thuận lợi, nhằm giới thiệu trái vú sữa tím của tỉnh Sóc Trăng sang thị trường khó tính, thị trường cao cấp trong nước và đây cũng là tiền đề để các công ty xuất khẩu biết đến tỉnh có vùng nguyên liệu cây ăn trái đặc sản đủ các loại trái cây, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Để đảm bảo trái cây của tỉnh sẵn sàng phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, quảng bá sản phẩm đầu ra cho các loại trái cây như xoài, nhãn, bưởi…”.
Thu Thảo