Nhờ sự hợp tác, liên kết cùng phát triển, đến nay, trên 90% các hộ thành viên HTX có doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. HTX trở thành “bệ đỡ” vững chắc, vừa hỗ trợ, thúc đẩy quá trình sản xuất, vừa là tấm “khiên chắn” bảo vệ quyền lợi cho các hộ thành viên.
Liên kết nuôi thủy sản
Ông Đinh Viết Huy - Giám đốc HTX Phú Thọ, cho biết: “HTX thành lập vào đầu năm 2010 với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất. Với tinh thần tự chủ, sáng tạo, cùng có lợi, HTX đã xây dựng thành công hàng chục mô hình đầm nuôi thủy sản có doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm”.
Ngay từ khi thành lập, tôn chỉ hoạt động của HTX là “phát huy vai trò của tập thể để nâng cao thu nhập của các thành viên”. Theo đó, với vai trò đại diện tập thể, HTX đứng ra giúp thành viên tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của địa phương, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đồng thời là đại diện pháp lý trong quá trình tìm kiếm, đàm phán với các đối tác làm ăn.
Điển hình như về giống, hằng năm, HTX cung cấp gần 100 triệu con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như chép lai ba màu, rô phi đơn tính, cá trôi, cá mè, cá trắm đen... với giá được hỗ trợ 50%, giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào.
HTX cũng đại diện các thành viên kiến nghị cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện cấp nguồn điện 3 pha để chạy các máy quạt nước tạo sóng, bảo đảm môi trường cho các ao nuôi, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng thủy sản.
Năm 2014, với sự thống nhất chung của các thành viên, HTX huy động các nguồn lực để mở đại lý thức ăn thủy sản, trước hết phục vụ cho các thành viên trong HTX và sau đó là cho các hộ nuôi trồng. Tại đại lý này, các hộ thành viên có thể mua cám công nghiệp rẻ hơn 12 - 17% so với mua giá thông thường.
“Với sự tự chủ từ đầu vào (giống, nguồn nước, thức ăn chăn nuôi…) đến đầu ra (thu hoạch, thị trường…), các thành viên HTX có thể phát huy tối đa sức sáng tạo và đạt được hiệu quả cao nhất. HTX đóng vai trò cố vấn, giúp thành viên lựa chọn đúng giống cá, thời điểm gieo giống, quy trình chăm sóc… làm sao để sản phẩm đánh đúng và trúng nhu cầu thị trường”, Giám đốc Đinh Viết Huy chia sẻ.
Với những thành công của HTX Phú Thọ, mô hình HTX thủy sản đang được lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong huyện Lương Tài. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 7 HTX chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản, thu hút hàng trăm thành viên tham gia.
Các mô hình HTX nuôi thủy sản tại Bắc Ninh đang phát huy hiệu quả cao
Lan tỏa sức mạnh
Bên cạnh sự hiệu quả vượt trội của HTX Phú Thọ, các HTX khác cũng phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế của các hộ thành viên, như HTX nuôi trồng thủy sản An Trụ (xã An Thịnh), HTX cá nước ngọt Bình Minh (xã Trừng Xá)…
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia vào HTX, ông Hà - thành viên HTX An Trụ, chia sẻ: “Tham gia vào HTX là chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo quy trình. Với sự hỗ trợ của HTX về cả kỹ thuật, giống, vốn, thức ăn trả chậm... hiệu quả sản xuất gia tăng đáng kể. Năm 2016, tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng”.
Ông Phạm Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Tài, đánh giá: “Các mô hình HTX thủy sản trên địa bàn đang là “chìa khóa” thúc đẩy việc chuyển đổi ruộng trũng, cải tạo ao hồ mặt nước gắn với phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, chuyên canh. Tính đến cuối năm 2016, huyện có gần 1.400 ha nuôi trồng thủy sản, cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa. Giá trị kinh tế từ thủy sản đạt trên 500 tỷ đồng/năm”.
Cho thấy hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Lương Tài vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. “Vấn đề quy hoạch để sản xuất tập trung vẫn đang là “bài toán” khó của các HTX trên địa bàn. Việc chăn nuôi cá thể khiến quá trình phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn rất khó khăn”, Giám đốc Đinh Viết Huy chia sẻ.
Chưa kể, thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu do các HTX tự tìm kiếm, thương thảo. Việc chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong HTX vẫn còn gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, do yếu tố môi trường, thời tiết và thiếu áp dụng KH-KT.
Những khó khăn trên đòi hỏi cá cơ quan chức năng địa phương và tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ. Chỉ có như vậy, các HTX thủy sản ở Lương Tài mới thực sự trở thành “hạt nhân” liên kết nông dân khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng.
Hiến Nguyễn