Sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ đạo của huyện Ba Bể. Chính vì vậy, muốn nâng cao thu nhập, giúp người dân giảm nghèo, thì việc xây dựng và phát huy hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác để hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là điều rất quan trọng.
Các HTX đang thúc đẩy sản phẩm kinh tế thế mạnh tại Ba Bể, điển hình như lạp sườn của HTX Nhung Lũy (Ảnh Tư liệu) |
HTX nâng tầm sản phẩm đặc trưng
Cho đến nay, Ba Bể đã xây dựng thành công một số sản phẩm nông sản đặc trưng có thương hiệu trên thị trường như bí xanh thơm, lạp sườn gác bếp, chè tuyết, tép chua, thịt chua, mắc mật sấy khô, miến dong, măng khô, phở khô, rượu men lá, tinh bột nghệ…
Để các sản phẩm này phát triển, trở thành hàng hóa có thương hiệu, Ba Bể đã chú trọng phát triển các HTX để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Theo thống kê, toàn huyện Ba Bể đang có 14 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Các HTX đang phát huy tốt vai trò cầu nối trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, tiêu biểu như: HTX Yến Dương, HTX Sang Hà, HTX Phương Đức, HTX Đồng Lợi, HTX Phúc Ba, HTX Hoàng Huynh, HTX Nhung Lũy…
Điển hình có thể kể đến HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương) đang có một nền tảng khá vững vàng để phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh tại địa phương. Sau hơn 2 năm phát triển, HTX đang có 14 thành viên chính thức, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đang đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Điển hình phải kể đến sản phẩm lạp sườn được chế biến từ thịt lợn do chính thành viên HTX chăn nuôi.
Chị Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc HTX cho biết: “100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả với thu nhập 60 – 80 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vào cuối năm 2019, HTX đã thành lập các tổ liên kết trồng trọt với 60 thành viên, trong số này có nhiều hộ nghèo. Khi tham gia liên kết, HTX đã trực tiếp tạo việc làm, giúp các hộ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập”.
Các HTX, tổ hợp tác sẽ được đẩy mạnh phát triển để thúc đẩy tiến trình xoá đói, giảm nghèo tại địa phương (Ảnh TL) |
Góp phần xóa đói, giảm nghèo
Ở xã Quảng Khê, hồng không hạt đang trở thành cây trồng thế mạnh, góp phần tích cực vào quá trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để nâng cao hiệu quả của cây trồng này, xã đã và đang tích cực phối hợp với HTX Đồng Lợi xây dựng các phương án sản xuất an toàn, thúc đẩy cơ giới hóa gắn với xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật mới, nhằm đưa cây hồng trở thành cây chủ lực, bền vững của địa phương.
Các HTX cũng đang khẳng định vai trò “đuổi nghèo”, thúc đẩy phát triển sản xuất ở xã Mỹ Phương. Tiêu biểu có HTX Yến Dương, đến nay đã có 25 thành viên tham gia. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã giúp 10 hộ thàn viên thoát nghèo và 7 hộ từ nghèo vươn lên kinh tế khá.
Thời gian qua, HTX Yến Dương cũng tổ chức liên kết với 170 hộ tại địa phương trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ dân.
Các sản phẩm được HTX Yến Dương tập trung sản xuất và đưa ra thị trường có nguồn gốc tại địa phương như bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan, các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm...
Có thể thấy, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Ba bể thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh - xã hội, đặc biệt là liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hưng Nguyên