HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi thành lập năm 2003 với số vốn điều lệ ban đầu là 47 triệu đồng. Ngành nghề sản xuất của HTX là mây tre đan xuất khẩu, lấy nguyên liệu từ các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Hiện, HĐQT của HTX đặt mục tiêu mở rộng thêm quy mô, tìm kiếm thêm thị trường để tăng thu nhập cho người lao động.
Tận dụng nguyên liệu địa phương
Sau khi luật HTX 2012 ra đời, HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi đã kiện toàn, đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động cho phù hợp. Hiện tại, HTX có số lượng thành viên là 31 người.
Theo tính toán của HĐQT, mỗi ngày, công của người lao động được là 80.000 - 120.000 đồng và trung bình mỗi tháng cho thu nhập 2,5 triệu đồng. Thu nhập này được trả dựa trên hiệu quả công việc hoàn thành.
Nghĩa là nếu người lao động làm ra nhiều sản phẩm thì thu nhập sẽ cao hơn.
Để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người lao động yên tâm hơn với công việc, HTX đã tự liên hệ với các đối tác, bạn hàng ở Hà Nội.
Hiện nay, HTX đã có đơn hàng mây tre đan xuất khẩu ký kết cho gần hết trong năm 2018. Nguyên liệu sản xuất (cây lùng - có nhiều ở các huyện miền núi Nghệ An) cũng đã được lãnh đạo HTX đặt mua ổn định.
Ông Tăng Tiến Huỳnh - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết ưu điểm của HTX là tạo được nhiều việc làm cho nhiều đối tượng, tận dụng được thời gian rảnh rỗi của họ. HTX còn ký kết thu mua sản phẩm cho bà con tại các xã khác trong huyện, như Phú Thành, Hồng Thành, Nhân Thành, Long Thành.
“Chúng tôi đang đặt mục tiêu mở rộng thêm quy mô, tìm kiếm thêm thị trường để tăng thu nhập cho người lao động”, ông Huỳnh nói.
Với mục tiêu tiến tới xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm để có giá trị kinh tế cao, HTX đã liên doanh liên kết với một số công ty lớn, có uy tín xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc, đã ủy thác xuất khẩu nhiều mặt hàng do HTX làm ra với số lượng lớn, bảo đảm chất lượng kỹ thuật và vệ sinh an toàn sản phẩm.
![]() |
HTX Thắng Lợi chú trọng vào 3 lĩnh vực: sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu, sản xuất hàng mộc dân dụng mỹ nghệ và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chú trọng đào tạo, tạo thêm công việc
Hiện tại, HTX đang tập trung liên doanh liên kết với các đơn vị để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tìm thị trường đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cho thành viên sản xuất hàng mây tre đan liên tục, phát triển bền vững.
HTX tập trung nâng cao trình độ tay nghề cho các thành viên trong HTX bằng cách tổ chức đào tạo truyền nghề cho lao động có nhu cầu học nghề và làm hàng xuất khẩu, đồng thời thường xuyên tập huấn, chuyển giao mẫu mã, kỹ thuật mới và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Ngoài ban lãnh đạo, tại trụ sở của HTX thường xuyên có 20 lao động làm việc ổn định. Riêng làm việc theo thời vụ, luôn thu hút 200 - 500 lao động quanh vùng tham gia.
Lao động tham gia tại HTX là những lao động phụ, người già, phụ nữ, trẻ nhỏ và có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm thêm với công việc nhẹ nhàng là đan lát theo các mẫu hàng đã được ký kết.
Phát triển nguồn nhân lực đông đảo có tay nghề cao là “kim chỉ nam” của HTX. HTX luôn bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, cung ứng nguồn nguyên liệu kịp thời cho lao động sản xuất và thanh toán tiền lương, nộp thuế đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho thành viên của HTX.
Do làm ăn hiệu quả, tổng vốn điều lệ của HTX hiện đã nâng lên 2,5 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng. Liên tục những năm qua, trung bình mỗi năm, HTX đào tạo 60 - 120 lao động theo nghề mây tre đan xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc góp phần mở rộng quy mô, cũng như giải quyết việc làm cho một số lượng lao động nhàn rỗi, dư thừa ở nông thôn.
Thanh Hải