Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc HTX Thái Hòa, cho biết: “HTX được thành lập năm 2015, trở thành HTX đầu tiên của Tuyên Quang phát triển mô hình nuôi cá Chiên đặc sản, thực hiện liên kết và hỗ trợ người nuôi cá lồng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa”.
Nuôi cá lồng, thu trăm triệu
Cá Chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý” (cá Chiên, cá Lăng, cá Rầm Xanh, cá Anh Vũ, cá Bỗng). Trên thị trường, giá cá Chiên dao động 450.000 - 500.000 đồng/kg. Bình quân số lượng cá Chiên giống đạt 100 - 120 con/lồng và đạt trọng lượng 2,5 - 3 kg/con/năm. Trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng/lồng.
Anh Trần Công Đoan - thành viên HTX, sở hữu 6 lồng cá Chiên, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi cá từ hơn 5 năm trước. Khi thấy mô hình nuôi cá Chiên trong lồng đem lại hiệu quả, tôi mạnh dạn vay vốn, tìm mua cá giống. Vụ đầu tiên với hơn 100 con cá giống, dù gặp không ít khó khăn, nhưng sau 12 tháng chăm sóc, tôi cũng thu về gần 40 triệu đồng. Hiện tại, với việc duy trì 5 - 6 lồng cá, mỗi năm tôi thu về 250 - 300 triệu. Năm 2016, trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 300 triệu”.
Sở hữu 9 lồng cá, anh Trần Văn Vân - thành viên HTX, cho biết: “Nếu nắm bắt tốt kỹ thuật nuôi, cá Chiên cho thu nhập cao vượt trội so với các loại cá khác. Với mỗi lồng cá, người nuôi có thể thả 100 - 120 con, với con giống chuẩn khoảng 2 gram (giá 150.000 đồng/con), cá có thể đạt 2kg sau 12 tháng chăm sóc. Bét nhất người nuôi cũng lãi 400.000 - 500.000 đồng/con”.
Theo những người nuôi, thức ăn của cá Chiên khá đơn giản là các loại cá tạp, tuy nhiên, kỹ thuật chăm sóc không đơn giản. Cá Chiên là loài sống ở khu vực nước sạch, dòng chảy mạnh, nơi có nhiều khe đá. Vì vậy, người nuôi phải chọn giống tốt, bám sát tình hình thời tiết, vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để loại bỏ nguy cơ gây bệnh cho cá.
Bà Trần Thị Minh - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, cho biết: “Mô hình nuôi cá Chiên đang thay đổi đời sống của người dân trên địa bàn. Năm 2017, Thái Hòa là 1 trong 7 xã của huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 11/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trong xã tính đến 3/2017 giảm còn khoảng 7%”.
![]() |
Mô hình nuôi cá Chiên trong lồng của HTX Thái Hòa
Nâng tầm thương hiệu
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, HTX Thái Hòa còn đặc biệt quan tâm tới môi trường sinh thái. HTX Thái Hòa cho hay, ngay từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, HTX đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thành viên. Các hộ chăn nuôi được khuyến khích giữ khoảng cách các lồng xa nhau tối đa là 500m, giảm tối đa tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi cá gây ra.
Năm 2016, sản phẩm cá Chiên của HTX được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP). Sản phẩm cá Chiên cũng được xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu “Cá Chiên Thái Hòa” và trở thành sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Bình cho biết HTX đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của tỉnh trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm (100% kinh phí đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP được tỉnh tài trợ), các hoạt động quảng bá, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.
“HTX đang có tham vọng xây dựng và nâng tầm thương hiệu cá Chiên Thái Hòa trên địa bàn cả nước và hướng tới xuất khẩu. Trước hết là đưa đặc sản này vươn tới thị trường một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Với sự hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của thành viên, mục tiêu này đang ở rất gần”, ông Bình nhấn mạnh.
Khó khăn lớn nhất của HTX hiện tại là vấn đề con giống. Để có giống tốt, HTX phải đặt hàng tại Trung tâm Thủy sản tỉnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Bắc Ninh. Hiện Trung tâm Thủy sản tỉnh đã sản xuất được giống cá chiên, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi.
Mô hình nuôi cá Chiên đã và đang đem đến hiệu quả cao. Nhưng để phát triển bền vững và tiếp tục gia tăng giá trị, HTX cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng và khối lượng sản phẩm, đồng thời, tận dụng tốt sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về chính sách và nguồn vốn.
Văn Nguyễn