Tại Đại hội V Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa vừa diễn ra, Giám đốc Mai Đăng Bắc đã tham luận, đi sâu vào vấn đề HTX đi lên bằng chính nội lực của mình, không ỷ lại trông chờ hỗ trợ Nhà nước, phát huy các nguồn lực, vận dụng các mối hợp tác liên kết, nhằm đa dạng hóa hoạt động dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động HTX.
Vươn lên nhờ nội lực
Trước thềm Đại hội V, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa rút ra 5 kinh nghiệm cơ bản tư vấn hỗ trợ HTX, trong đó có một kinh nghiệm thể hiện rõ ở HTX nông nghiệp Nga Yên. Đó là, HTX phải tự chủ nỗ lực vươn lên từ nội lực của chính mình.
Dù hoàn cảnh như nhiều HTX khác, HTX Nga Yên cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn riêng và chung, như cơ chế chính sách nhà nước chưa quan tâm HTX đúng mức, thị trường biến động, “đói” vốn… Nhưng HTX này đã năng động, sáng tạo, biết đoàn kết và biết tranh thủ thời cơ để củng cố phát triển HTX.
Trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX Nga Yên luôn theo dõi sát sao thông tin sản xuất nông nghiệp. Từ việc phân tích kịp thời các mặt thuận lợi và khó khăn, HTX duy trì tốt các khâu dịch vụ truyền thống đã ký hợp đồng với các hộ dân, ví như thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật, bảo nông, cung ứng vật tư nông nghiệp…
Cụ thể với dịch vụ làm đất, nếu như ngày trước người dân phải mất nhiều thời giờ chờ đợi máy cày nhỏ, làm chậm tiến độ thời vụ, thì nay, HTX trực tiếp đầu tư 2 máy cày và huy động thành viên mua thêm 4 máy cày, đủ sức bảo đảm khâu làm đất cho người dân với giá cả hợp lý.
Ngày 12/12/2015, HTX Nga Yên đã tổ chức đại hội kiện toàn và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Từ đấy, HTX đã xây dựng và phát triển thêm một số khâu dịch vụ mới, như thu mua nông sản, gieo sạ bằng giàn kéo, gặt đập liên hợp, mạ khay máy cấy... Những dịch vụ mới thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho HTX.
Điển hình như dịch vụ gieo sạ lúa bằng giàn kéo đã giúp nông dân giảm từ 30 đến 50% chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị canh tác. Hay như trước đây, người dân cứ đến vụ thu hoạch hoàn toàn phụ thuộc vào số thợ máy phụt lúa nhỏ lẻ, song từ khi HTX Nga Yên liên kết với DN, đầu tư mở dịch vụ gặt đập liên hợp, đã giúp dân đẩy nhanh tiến độ mùa gặt, giảm đáng kể chi phí bỏ ra ở khâu thu hoạch lúa.
![]() |
Mô hình dịch vụ gieo mạ khay của HTX
Phát triển sản xuất quy mô lớn
Từ năm 2015, HTX đã chủ động tham mưu cho UBND xã đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ người dân cải tạo, san gạt mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng mô hình dịch vụ mạ khay, máy cấy vào sản xuất.
Ngay từ vụ Chiêm Xuân 2015, tuy mô hình dịch vụ mạ khay máy cấy mới đi vào hoạt động, nhưng đã rất thành công với quy mô 25ha. Và đến vụ Xuân 2016, HTX đã ký hợp đồng trọn gói với nhân dân 50ha, từ làm đất tới gieo cấy, thu hoạch.
Bên cạnh đó, HTX tổ chức dịch vụ thu mua nông sản, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các thôn xóm xây dựng vùng quy hoạch sản xuất cây trồng hàng hóa, như khoai tây giống, khoai tây thương phẩm, bí xanh, ớt xuất khẩu và một số cây trồng khác.
Đồng thời, HTX đang trực tiếp chỉ đạo và điều hành vùng sản xuất rau an toàn quy mô 6ha theo đề án của tỉnh và huyện. HTX trực tiếp thâm nhập thị trường, liên kết với các DN có uy tín, có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến nông sản cho nông dân.
Có thể thấy, dịch vụ này đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để chủ động hơn khâu bảo quản ban đầu, HTX đã đầu tư xây dựng được một kho lạnh có sức chứa 40 tấn sản phẩm sau thu hoạch. Và từ đó, HTX chủ động hoàn toàn nguồn giống khoai chất lượng cung ứng cho người dân trong xã và nhiều xã khác trong, ngoài địa bàn huyện Nga Sơn.
“Trước yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, HTX thực sự phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng kịp thời tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất”, Giám đốc Mai Đăng Bắc khẳng định.
Lưu Đoàn