Tiền thân của HTX Nghĩa Phú là HTX Tàu thuyền và Dịch vụ Cổ Lũy, một trong những làng nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên trên cả nước. Bên cạnh đóng tàu, HTX còn phát triển các ngành nghề khác như đánh bắt, chế biến hải sản, cung cấp xăng dầu, đá lạnh bảo quản…
Những thăng trầm
Nhìn vào những thành công hiện tại, ít người biết rằng HTX đã gặp phải vô vàn khó khăn, không ít thời điểm đứng trên bờ vực phá sản. Năm 2000, Chủ nhiệm HTX lúc đó lập hồ sơ khống vay ngân hàng, làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn, các thành viên như ong vỡ tổ, phải bỏ nghề.
Các thành viên chủ chốt của HTX phải đến từng nhà vận động các thành viên quay lại. Để thuyết phục các thành viên, Ban Chủ nhiệm HTX xây dựng quy chế, điều lệ làm việc, góp vốn… nhằm vực lại sản xuất. Nhiều thành viên chủ động cung cấp mặt bằng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị không lấy phí để HTX có thêm cơ sở vật chất.
Ông Phan Như Huỳnh - một trong những thành viên chủ chốt của HTX, tích cực đến các địa phương trong và ngoài tỉnh tìm kiếm từng hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, đem việc làm về cho thành viên.
Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi, 20 xã viên có tay nghề liên tục nhận đơn hàng, thu nhập liên tục tăng từ 150.000 đồng/ngày lên 500.000 đồng/ngày.
Thương hiệu đóng tàu Cổ Lũy dần được định hình và bay xa. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, những hợp đồng đóng tàu lớn 400 - 800 CV từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam... liên tục được ký kết.
Từ 20 xã viên ban đầu, đã tăng lên 49 xã viên chia làm hai đội sản xuất, mỗi xã viên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Công suất đóng tàu cũng được nâng từ 10 chiếc/năm lên 50 chiếc/năm.
![]() |
Một khu đóng tàu của HTX
Nghề nguy hiểm
Sửa chữa, đóng tàu, đi biển là nghề ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đơn cử, việc đóng một con tàu mới, công suất lớn, nặng hàng trăm tấn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Anh Lê Văn Ân - thợ cả của HTX, chia sẻ: “Đóng hoặc sửa chữa tàu, ngại nhất là công đoạn kéo tàu lên bờ hoặc hạ thủy tàu. Bình quân một chiếc tàu nặng đến hơn 100 tấn, nếu anh em đang kéo mà gặp sự cố như dây đứt, tàu nghiêng... thì rất nguy hiểm”.
Làm việc trong môi trường nặng nhọc và nhiều rủi ro, kể từ năm 2017 đến nay, HTX đã quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an toàn lao động. Bên cạnh đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, HTX bắt đầu trang bị thêm quần áo bảo hộ, các dụng cụ đảm bảo an toàn cho thành viên.
HTX đã tiến hành đầu tư hơn 500 triệu đồng làm đường ray, hiện đại hóa quy trình hạ thủy tàu, giúp tiết kiệm sức lao động và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Các công đoạn như khiêng gỗ áp vào khung tàu, hơ ván gỗ trên lửa để uốn cho vừa với khung sườn tàu, sơn tàu... cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, vì vậy, HTX đào tạo lao động kỹ càng, thường xuyên tập huấn để nâng cao trình độ và ý thức làm việc.
Dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên, công tác an toàn lao động của HTX chưa thực sự hoàn thiện. Ông Trần Viết Minh - Giám đốc HTX, cho biết: “Do những khó khăn về vốn, hiện HTX mới chỉ trang bị quần áo, dụng cụ bảo hộ cho các thành viên chính thức, còn với các loa động thời vụ phải tự chuẩn bị. Trong thời gian tới, HTX sẽ tích cực hoàn thiện công tác này, giúp người lao động yên tâm sản xuất”.
Hưng Nguyên