Thành lập ngày 27/8/2003, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SX-KD) chính của HTX là sản xuất thu mua, đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu. Hàng năm, HTX đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm mây tre đan chất lượng cao, thu về hàng tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương
Nỗ lực để đi lên
Ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: “Lúc mới thành lập, cơ sở vật chất của HTX còn rất thiếu thốn, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhưng, với tinh thần tự lực tự cường, ban điều hành và các xã viên HTX đã xây dựng được 1.000m2 kho nhà xưởng, để bảo đảm bước đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Lúc mới thành lập, các xã viên HTX làm việc chủ yếu bằng thủ công là chính dẫn đến năng suất lao động chưa cao, thu nhập người làm nghề chưa được cải thiện nhiều. Nay, HTX đã đầu tư KHKT, công nghệ vào trong SX-KD, như đã đầu tư 10 bộ máy chế biến nguyên liệu. Xã viên chỉ việc nhận nguyên liệu về sản xuất hàng hóa. Nhờ sản xuất bằng máy, năng suất lao động đã tăng gấp 10 lần so với làm thủ công, nên thu nhập của xã viên cũng được tăng lên rõ rệt, dao động từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Với mục tiêu tiến tới xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm để có giá trị kinh tế cao, HTX đã liên doanh liên kết với một số công ty lớn, có uy tín xuất khẩu hàng TCMN khu vực phía Bắc, đã ủy thác xuất khẩu nhiều mặt hàng do HTX làm ra với số lượng lớn, bảo đảm chất lượng kỹ thuật và vệ sinh an toàn sản phẩm”.
Hàng năm, HTX rất chú trọng nâng cao trình độ tay nghề cho các thành viên trong HTX bằng cách tổ chức đào tạo truyền nghề cho lao động có nhu cầu học nghề và làm hàng xuất khẩu, đồng thời thường xuyên tập huấn, chuyển giao mẫu mã, kỹ thuật mới và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Phát triển nguồn nhân lực đông đảo có tay nghề cao là “kim chỉ nam” của HTX. HTX luôn đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, cung ứng nguồn nguyên liệu kịp thời cho lao động sản xuất và thanh toán tiền lương, nộp thuế đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho thành viên của HTX.
Theo số liệu từ HTX, năm 2014, số lao động có việc làm là 468 lao động, trong đó được HTX trực tiếp đào tạo là 180 người, với tổng doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng. Đến năm 2015, số lao động có việc làm tăng lên là 582 và số lao động được đào tạo là 120, doanh thu của HTX cũng tăng lên 12,7 tỷ đồng.
![]() |
Sản xuất hàng mây tre đan mỹ nghệ ở HTX
Khẳng định vai trò của HTX
Đánh giá về mô hình hoạt động của HTX Thắng Lợi, ông Lê Phúc Ân - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, cho rằng: HTX TTCN Thắng Lợi cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác truyền thống hiện có, để bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra một cách bền vững và lâu dài. HTX cần mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm mặt hàng mây tre đan để hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Anh, Pháp, Nhật.
Cần duy trì lực lượng sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động hiện có của các làng nghề và làng có nghề của huyện Yên Thành (trên 500 lao động), đồng thời tiếp tục đào tạo truyền nghề và giải quyết việc làm cho lao động để tăng thêm lực lượng sản xuất, bảo đảm các hợp đồng lớn. Bảo đảm đầy đủ nguyên liệu (lùng, mây) cho sản xuất thường xuyên liên tục và dự phòng trong mùa mưa bão. Tiếp tục mua sắm các loại máy móc phục vụ cho sản xuất và hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.
“Trước thực trạng nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông nghiệp nông thôn rất lớn, nhất là phụ nữ, đối tượng rất cần được học nghề và có việc làm ngay tại địa phương. HTX cần phát huy tính chủ động, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương”, ông Lê Phúc Ân - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh.
Nguyễn Hiếu