Sau gần 2 thập kỷ có mặt tại Điện Biên, mắc ca - một loại cây trồng mới đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một tỉnh miền núi, cây mắc ca đã và đang phủ xanh hàng nghìn ha đất trống đồi núi trọc và trồng thay thế những diện tích cây trồng kém hiệu quả, đặc biệt là với sự tham gia của các HTX mắc ca.
HTX với vai trò “xung kích”
Trong chiến lược cơ cấu lại kinh tế và giảm nghèo bền vững của tỉnh Điện Biên, đã xác định cây mắc ca sẽ là cây chủ đạo để giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Bên cạnh mời gọi đầu tư, trải thảm cho các tập đoàn, các doanh nghiệp đến đầu tư trồng hàng nghìn ha cây mắc ca ở các huyện nghèo của tỉnh và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, đem lại sự lạc quan cho người nông dân, tỉnh Điện Biên đã có một quyết định được cho là đúng đắn, đó là ưu tiên sự phát triển của các HTX mắc ca. Có như vậy người nông dân và các hộ gia đình mới thực sự bảo đảm quyền lợi và tạo cơ hội phát triển lâu dài, hướng đến xoá nghèo bền vững, đồng thời phát triển các HTX mắc ca cũng là chiến lược trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn của tỉnh Điện Biên.
HTX mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ theo mô hình 3 bên |
Thời gian qua Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về thành lập các HTX mắc ca nhằm thúc đẩy phát triển cây mắc ca trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX tỉnh Điện Biên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các HTX mắc ca trên địa bàn; thành lập 4 HTX mắc ca (HTX Mắc ca Nà Nọi; HTX Mắc ca Thanh Xương; HTX Mắc ca bản Tát Hẹ; HTX Mắc ca Cựu chiến binh).
Theo Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với trách nhiệm được giao là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX; thường xuyên phân công cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động và tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác mới. Trong đó, chú trọng ở địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca.
Giá trị và hiệu quả kinh tế của cây mắc ca đang dần hiện hữu, tuy nhiên, quá trình triển khai tại tỉnh Điện Biên cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định về thủ tục hành chính, xác định hiện trạng đất, hình thức tham gia trồng mắc ca của người dân, trách nhiệm nhà đầu tư, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại.
Theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, cần phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc về đất đai, theo hình thức tìm kiếm quỹ đất cho doanh nghiệp thuê hoặc liên kết với người dân thông qua HTX thì mới có thể thúc đẩy được phát triển cây mắc ca một cách bền vững hiệu quả.
“Để giải quyết được tiến độ triển khai các dự án về cây mắc ca phải tập trung tuyên tuyền, thành lập các HTX, từ đó người dân mới yên tâm, đảm bảo tính bền vững trong quá trình thực hiện giữa doanh nghiệp và người dân”, ông Hải nói.
Điểm sáng Tuần Giáo
Theo Đề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca.
Cây mắc ca hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên. |
Tháng 11/2021, UBND huyện Tuần Giáo ban hành kế hoạch phát triển thí điểm HTX mắc ca giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn.
HTX mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ theo mô hình 3 bên, gồm “Hộ nông dân - HTX - Nhà đầu tư”. Trong đó, huyện chủ trương phát triển loại cây mới thông qua hợp đồng kinh tế giữa HTX và nhà đầu tư, với vai trò trung tâm của chuỗi liên kết thuộc về nhà đầu tư, còn HTX là đầu mối đại diện của hộ dân tham gia liên kết. Đồng thời, UBND huyện khảo sát, lựa chọn thí điểm thành lập 2 HTX mắc ca liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 2 xã Quài Cang, Quài Nưa.
Lãnh đạo UBND huyện xác định, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX ở địa bàn quy hoạch trồng mắc ca nói riêng, và các HTX nông nghiệp nói chung là nhiệm vụ cốt lõi. Qua đó, các hộ nông dân sẽ hiểu rõ hơn về Luật HTX năm 2012, bản chất mô hình HTX kiểu mới, cũng như các giá trị và 7 nguyên tắc HTX trong phát triển nông nghiệp nói chung, cây mắc ca nói riêng.
Theo đó, HTX Dịch vụ mắc ca Quài Nưa được thành lập vào cuối năm 2021 với 9 thành viên và 293 hộ, đa số là hộ dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hộ dân tộc Thái tham gia với diện tích khoảng 200ha, trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng. Việc thành lập HTX mắc ca phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca đảm bảo tiến độ đầu tư; xây dựng mô hình liên kết bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân khi tham gia HTX (về thu nhập, đời sống, việc làm ổn định); nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi tham gia người dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua cây giống và các vật tư thiết yếu theo quy định (mức hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu; hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/hộ gia đình tham gia dự án).
Tới cuối năm 2021, 47ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa thuộc dự án liên kết với Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên đã bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt hơn 90% diện tích, sản lượng từ 3 - 4kg/cây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động mỗi năm để tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mắc ca, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Từ hiệu quả đem lại, thời gian tới, xã Quài Nưa sẽ tiếp tục tuyên truyền cho nông dân trong xã nhân rộng trồng cây mắc ca, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người Thái nơi đây xóa đói, giảm nghèo làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Phương Linh