Những năm qua, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang trở thành một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Cho hiệu quả cao
Bà H’Yam Bkrông, người sáng lập HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, cho biết sau gần 2 thập kỷ hoạt động, để tồn tại và phát triển, HTX đã liên tục có những đổi mới về tư duy, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm.
Đơn cử, để cạnh tranh với thổ cẩm may công nghiệp, HTX đầu tư trang bị máy dệt, máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất. Mẫu mã sản phẩm của thành viên HTX làm ra cũng rất đa dạng và phong phú, từ trang phục nam nữ, đến túi xách, khăn trải bàn, trang sức, túi thơm…
Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 45 thành viên đều là phụ nữ dân tộc Êđê. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động khác ở địa phương, với doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, thu nhập của thành viên trung bình từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Với mức thu nhập ổn định từ HTX cùng với phát triển kinh tế gia đình đã giúp cho các thành viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Cùng với nghề dệt, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn và khoảng 300 con lợn. Đồng thời, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú, nhằm tạo thêm sức hút với du khách thập phương.
Phát triển sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm giúp HTX nâng cao thu nhập cho thành viên. |
Nếu HTX Tơng Bông là của người Êđê, thì HTX Du lịch buôn Jun là “điểm tựa” của đồng bào M’Nông ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Để phát triển du lịch, HTX đang duy trì đàn voi nhà gồm 15 con, hệ thống thuyền độc mộc, nhà dài, cồng chiêng, cùng nhiều giá trị văn hóa đặc thù, độc đáo.
“Du lịch trên lưng voi” đang là thế mạnh của HTX, tạo sức hút đặc biệt với khách du lịch khi đến tham quan buôn Jun, nhất là khách nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, HTX thu hút 1.000 - 1.500 lượt khách, trên 90% số đoàn đến với HTX đều đặt tour cưỡi voi thăm hồ Lắk, buôn Jun, rừng đặc dụng...
Hiệu quả của ngành “công nghiệp không khói” đang giúp thành viên HTX và đồng bào M’Nông ở buôn Jun từng bước nâng cao thu nhập. Với mức lương bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, cộng thêm thu nhập từ các dịch vụ khác, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Phát triển bền vững
Không chỉ ở Tây Nguyên, mô hình HTX phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch nhằm mang lại những giá trị toàn diện cả về kinh tế và môi trường đang lan rộng trên địa bàn cả nước.
Đơn cử, HTX Du lịch – nông nghiệp Bến Tre được thành lập dựa trên chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân của tỉnh Bến Tre.
HTX được thành lập năm 2016 tại xã Nhơn Thạnh. Đến nay, HTX có trên 80 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 10ha đất trồng bưởi da xanh, sản lượng khoảng 80 tấn trái/năm.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga – thành viên Hội đồng quản trị HTX, cho biết: “Để phục vụ du lịch, 100% diện tích sản xuất của HTX áp dụng quy trình VietGAP. Các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được loại bỏ, thay vào đó là phân thuốc hữu cơ, vi sinh, đảm bảo môi trường sạch, không khí trong lành”.
Tương tự, ở Ninh Thuận, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp. Đối với nông dân, HTX liên kết canh tác 15 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các khâu dịch vụ, như cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Ở phía Bắc, phong trào phát triển sản xuất gắn với du lịch cũng được HTX phát huy. Đơn cử, tại Sơn La, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (huyện Mộc Châu) hiện có 50 thành viên, 200 hộ liên kết sản xuất, với 110 ha cây trồng các loại, trong đó hơn 23 ha rau, quả được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trung bình đạt 1,1 - 1,2 tỷ đồng. HTX kết hợp loại hình du lịch đặc trưng như thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu…
Có thể thấy, sản xuất kết hợp với du lịch là mô hình mang tính ưu việt của các HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần khẳng định, những giá trị hữu hình từ tài nguyên, văn hóa bản địa, cần phải tích hợp lại, tạo ra giá trị.
“Phát triển nông nghiệp không chỉ dựa trên nông sản nữa mà còn là nền kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khi tích hợp nông nghiệp và du lịch, lúc đó sản xuất nông nghiệp không còn là câu chuyện mua bán nữa. Người ta sẽ tự hào, phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử của mình. Vấn đề là phải làm cho họ thấy được giá trị đó, trên chính lịch sử, văn hóa của họ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Lệ Chi