HTX Hoàng Su Phì thành lập từ tháng 12/2013, gồm 20 thành viên chính thức, hoạt động với mục tiêu liên kết các thành viên, hình thành mạng lưới sản xuất, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Điểm tựa cho nông dân
Trụ sở chính (với toàn bộ dây chuyền, xưởng sản xuất) của HTX Hoàng Su Phì có diện tích gần 600m2, được xây dựng tại thôn Tân Tiến II, xã Tân Tiến, có tổng kinh phí đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng, bao gồm: Các phòng làm việc, phòng trưng bày sản phẩm, nhà sơ chế, xưởng chế biến.
HTX được trang bị các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, điển hình là hệ thống lò hơi phục vụ sấy các sản phẩm nông sản, với công suất bình quân 5 tấn/ngày.
Theo bộ phận kỹ thuật của HTX, hệ thống lò hơi của HTX là một trong những công nghệ sấy đầu tiên của tỉnh, được áp dụng cho sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản. Hệ thống sấy khô bằng nhiệt độ áp suất hơi nước, bảo đảm chất lượng và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Triệu Văn Mềnh - Giám đốc HTX, cho biết: “Hiện tại, HTX đã xây dựng các nhãn hiệu bảo hộ độc quyền cho từng sản phẩm, điển hình như củ cải sấy khô, mật ong hốc, chè Shan Tuyết… bảo đảm tư cách pháp lý, uy tín trên thị trường”.
Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX đã chế biến được 300 - 400 tấn củ cải tươi, sản lượng củ cải khô (đã qua chế biến) đạt 15 - 20 tấn, với giá 200.000 - 300.000 đồng/kg. Mỗi năm, HTX cũng sản xuất trên 10.000 bịch nấm bào ngư, các sản phẩm được bao tiêu, với giá bán 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - thành viên Ban quản trị HTX, chia sẻ: “Sau gần 5 năm triển khai sản xuất và kinh doanh, HTX đã nhanh chóng vươn lên khẳng định vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy giúp bao tiêu các mặt hàng nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện”.
Hiện tại, HTX đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động (cả chính thức và thời vụ), với mức lương trung bình 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. HTX cũng đang là điểm bao tiêu sản phẩm cho hơn 300ha củ cải trắng của nông dân huyện Hoàng Su Phì.
Với chiến lược mở rộng quy mô sản xuất, chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu, HTX đang trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người dân trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
![]() |
HTX đang là “điểm tựa” cho nông dân trên địa bàn
Hóa giải những nút thắt
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, đánh giá: “HTX Nông lâm Hoàng Su Phì là một điển hình HTX kiểu mới, với những bước đi thông minh, nhiều tiềm năng. HTX đang thực hiện rất tốt các hoạt động hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các hộ sản xuất trên địa bàn huyện. HTX đang trở thành “đầu tàu”, dẫn dắt người nông dân từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, sang sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Từ đó, HTX đang góp phần tích cực giúp các thành viên và bà con trong huyện phát triển kinh tế, nâng cao mức sống”.
Đang hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên, theo Ban quản trị HTX, quá trình phát triển của HTX vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Việc đưa người dân vào sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn còn nhiều vướng mắc. Những khó khăn đặc trưng về địa hình, điều kiện giao thông, khiến các sản phẩm của HTX mới chỉ được tiêu thụ trong phạm vi hẹp, chủ yếu ở Hà Giang, Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, Giám đốc Triệu Văn Mềnh cho biết, HTX đã và đang chủ động liên kết với các tổ, nhóm sản xuất tại các xã, tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu chè, củ cải tập trung, tại các xã như: Pố Lồ, Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Tả Sử Choóng...
“HTX đang có những cơ chế hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật nhằm tăng diện tích, nâng cao năng suất cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thời gian tới, HTX rất cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng”, ông Mềnh cho biết.
Văn Nguyễn