HTX Tự Lực hiện có 7 thành viên chính thức, từ khi thành lập đến nay đã tổ chức được hàng trăm lớp đào tạo, truyền nghề miễn phí cho người tàn tật, khuyết tật trên địa bàn.
Cầm tay chỉ việc
Ông Đoàn Văn Thoa – Giám đốc HTX chia sẻ: "Bản thân tôi sinh ra là một người tàn tật bẩm sinh. Cuộc sống mưu sinh của người bình thường đã khó, với người tàn tật lại càng khó hơn. Ngay từ nhỏ, nhiều người đã không được học hành, thậm chí đến chữ không biết viết, số không biết đếm. Sức khỏe yếu kém, họ có quá ít cơ hội để tìm được cho mình một công ăn việc làm phù hợp. Nhiều người khuyết tật, tàn tật đã trở nên mặc cảm, nghĩ rằng “mình là gánh nặng của gia đình và xã hội”. Cuộc sống của họ cứ lay lắt và bế tắc".
Từ hoàn cảnh thực tế của bản thân và chứng kiến nhiều mảnh đời không may khác, ông Thoa đã quyết định “thành lập HTX dành cho người tàn tật”, nhằm truyền nghề, tìm kiếm công ăn việc làm cho người tàn tật, giúp họ hòa nhập cuộc sống.
Hiện nay, HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 16 lao động tại địa bàn, chủ yếu là các công việc như: làm tăm tre, ráp nối các linh kiện cho máy móc, đan móc, làm cửa nhôm kính... Thu nhập của mỗi lao động trung bình đạt 1 triệu đồng/tháng.
HTX đã truyền nghề cho học viên theo cách cầm tay chỉ việc. Người học được làm trực tiếp sản phẩm tại HTX, khi thuần thục sẽ được nhận việc, trả công chính thức. Để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm được nhiều hàng, chủ động về thời gian làm việc, HTX đồng ý để người lao động mang sản phẩm về nhà làm.
![]() |
Ông Thoa bên sản phẩm con giống do thành viên HTX tự sản xuất |
Ông Đoàn Văn Thoa cho biết thêm: "Các cháu ở đây đều là những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng chịu thương chịu khó. Có trí tuệ hạn chế nhưng có sức lao động và ngược lại, vì thế các cháu nương tựa nhau cùng làm việc. Mỗi cháu thường được phân công một công đoạn công việc cụ thể. Cứ làm đi làm lại hết ngày này sang ngày khác rồi cũng quen. Những cháu có sức khỏe tốt hơn giúp người yếu hơn mình".
Tạo thu nhập cho người lao động
Đối với những trường hợp người khuyết tật nhẹ, trí tuệ phát triển bình thường, sau khi được HTX truyền nghề thành thạo sẽ được giới thiệu vào làm công nhân chính thức trong các nhà máy tại khu công nghiệp Nomura.
Anh Đào Đình Cường – đang làm việc tại xưởng sản xuất con giống của HTX cho biết: Xưởng này đã được mở ra từ 8 năm, nhờ có xưởng mà con em thương –bệnh binh có nơi để lao động, sản xuất, có thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hoa – 28 tuổi xã Lê Thiện huyện An Dương chia sẻ: "Từ bé mình đã không được nhanh nhẹn, sức khỏe có hạn nên không xin làm công nhân được, may nhờ có HTX tạo cho việc xâu chuỗi các linh kiện điện tử".
![]() |
Trong tương lai, HTX sẽ tìm nguồn kinh phí để xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm của thành viên |
Năm 2009, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định giao cho HTX quản lý 5.000m2 đất tại xã An Hưng đất để thực hiện dự án xây dựng trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. HTX đã làm Đề án về xây dựng trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật gửi đến các cơ quan, ban, ngành để thẩm duyệt.
Giám đốc Đoàn Văn Thoa chia sẻ thêm: "Hiện nay, HTX đang gặp khó khăn trong việc dạy nghề cho người khuyết tật do không có nguồn kinh phí. HTX phải tự bỏ tiền hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Việc huy động vốn góp của các thành viên trong HTX gần như không có vì bản thân họ đều là những người khó khăn về kinh tế, mình còn phải tạo công ăn việc làm, bắt tay chỉ việc cho họ".
Để HTX phát triển, thời gian tới, ban lãnh đạo đang tìm thêm một số nghề thủ công phù hợp để truyền dạy cho thành viên và từng bước mở rộng phát triển kinh doanh... Ước mong của HTX là được vay vốn đầu tư xây dựng khu nhà giới thiệu sản phẩm do chính tay người khuyết tật, tàn tật, con em thương bệnh binh làm ra. Từ giới thiệu quảng bá, sản phẩm mới đến được với nhiều khách hàng, thu nhập của người lao động sẽ cao hơn trước...
Thanh Vân