Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ cho biết: DN - HTX - hộ nông dân được hình thành. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tham gia liên kết.
Liên kết nâng giá trị
Thực tế, nhiều người dân, trang trại, HTX, DN đã tự nguyện hình thành chuỗi. Họ đã nhận ra rằng muốn bán được hàng hóa thì phải tham gia chuỗi giá trị, phải minh bạch thông tin. Việc phát triển chuỗi giá trị sẽ giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó giảm tối đa tình trạng giải cứu nông sản…
Một ví dụ điển hình, HTX Chăn nuôi, Dịch vụ an toàn Siêu Việt (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016 - thời điểm giá lợn bắt đầu chu kỳ chạm đáy, nhưng vẫn duy trì được đàn lợn thịt 3.000 con và có lãi.
Bí quyết của sự thành công này, theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX, là liên kết chăn nuôi theo chuỗi, an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Cụ thể, với việc thành lập HTX gắn với chuỗi giá trị đã tạo ra đàn lợn đủ lớn, cho phép các gia đình mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy (thông qua đại diện HTX), với giá thấp, đồng thời được hưởng thêm các dịch vụ hậu mãi như tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh… nên đã giảm được khoảng 10% chi phí đầu vào.
Mặt khác, kết hợp chăn nuôi với tự giết mổ và chế biến thịt lợn thành các sản phẩm quy cách (thịt tươi sống, giò, chả, xúc xích…), đã giúp gia tăng giá trị của đàn lợn nuôi lên 5 - 7%.
Đến nay, sản phẩm thịt lợn của HTX Siêu Việt đã được cơ quan quản lý tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP. Các sản phẩm của HTX đều được bao gói hợp vệ sinh, có chỉ dẫn địa lý cho truy xuất nguồn gốc dễ dàng, có tem chống hàng giả. Hiện tại, HTX đã phát triển được chuỗi 4 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hà Nội và Hưng Yên.
Muốn nâng được tính hiệu quả của liên kết chuỗi giá trị, ngoài việc liên kết các hộ cá thể trong HTX còn phải tăng cường sự liên kết chặt chẽ đầu ra bao tiêu sản phẩm - cụ thể là DN, nhất là các DN đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu, vùng xa - hoặc các chợ đầu mối.
Vải thiều Bắc Giang được phân phối trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op |
Mở rộng liên kết kênh bán lẻ
Trong đó, mục tiêu thiết thực và rõ ràng nhất hiện nay mà các HTX hướng đến là các nhà bán lẻ, hay các DN có hệ thống bán lẻ có uy tín. Thực tế, sự chung tay vào cuộc của các nhà bán lẻ hiện đại là một trong những kênh chủ lực giữ vai trò quan trọng.
Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) - DN có tiếng trong việc thiết lập mô hình gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, đã chủ động kết nối các vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm từ nông sản đến thủy hải sản, các loại thịt tươi sống, hỗ trợ về vốn và kiến thức, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Được biết, vừa qua, Saigon Co.op đã chủ động kết nối, tiêu thụ thành công hơn 400 tấn vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã khảo sát và ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm giữa tỉnh Bình Thuận và Tp.HCM.
Ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng Truyền thông công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - DN vừa qua đã giúp “giải cứu” hàng chục tấn bí đỏ, dưa hấu của người dân Tây Nguyên, miền Trung, nhận định: “Trên phương diện nhà phân phối, nhà bán lẻ, khuyến khích các địa phương trong việc xúc tiến kết nối sản phẩm nông sản của nông dân vào các siêu thị, trung tâm thương mại nhằm mang đến một mô hình khép kín với chất lượng tốt. Từ đó, tránh được điệp khúc “giải cứu” nông sản đã diễn ra trong thời gian qua”.
Thực tế cho thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp chỉ bảo đảm sự bền vững và hiệu quả khi được tổ chức thành chuỗi liên kết khép kín và hiện đại, từ sản xuất tới thu mua, vận chuyển và cung ứng sản phẩm.
Sản phẩm được tiêu thụ thông qua các hợp đồng bao tiêu của DN, hiệp hội và HTX nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của các DN thu mua trong nước và xuất khẩu.
Mô hình liên kết giữa DN - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.
Hồng Nhung