HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thành lập từ năm 1957. Khi hoạt động theo mô hình HTX cũ, tất cả các thành viên trong HTX đều cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau.
Tháng 12/2014, HTX đã tổ chức lại theo Luật HTX 2012, trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, do đó không làm mất đi, hay triệt tiêu kinh tế hộ.
Đâu là bí quyết?
Trong HTX kiểu mới, tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn là thuộc về xã viên (nay là thành viên), HTX chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra. Hiện nay, tổng số thành viên 1.756 người (trong đó: HĐQT 3 người; Kiểm soát 2 người; cán bộ chuyên môn 3 người; 6 tổ trưởng tổ dịch vụ sản xuất…).
HTX có quy mô 3 thôn (Lý Nhân, Lý Hải, Dương Cốc), 6 tổ sản xuất với 615 hộ; hoạt động trên diện tích 147,8 ha đất canh tác (trong đó, 140 ha đất 2 lúa - 1 màu và 7,8 ha đất chuyên màu); tổng vốn điều lệ trên 1,6 tỷ đồng, thu hút 100% nông dân tham gia HTX.
Phần lớn các HTX nông nghiệp tại địa phương mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ có 9% HTX cung cấp được dịch vụ đầu ra và HTX Nhân Lý nằm trong số đó. Trong thị trường cạnh tranh gay gắt, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý vẫn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và ngày càng phát triển. Vậy đâu là bí quyết?
Trao đổi với Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý - bà Lê Thị Hương, chia sẻ cần phải xác định được sản phẩm chủ lực của HTX, phối hợp với các bên liên quan để lo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể như sau:
Xác định sản phẩm chủ lực: HTX đã xác định được sản phẩm chủ lực của mình là lúa. HTX đã khoanh vùng 120 ha lúa an toàn chất lượng cao, với các giống RVT, QR1, HT1, VS1... Từ quy trình chọn giống, chân đất, nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật… đều được xã viên HTX áp dụng theo quy trình VietGap. Do vậy, lúa ở đây không những năng suất cao mà còn bảo đảm đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đầu vào để sản xuất: HTX áp dụng linh hoạt Nghị quyết số 03 của tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ vật nuôi, sản xuất con giống, hỗ trợ giống lúa. Các cán bộ HTX có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân. HTX đã mạnh dạn phối hợp với công ty Giống cây trồng Trung ương, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn trước khi đưa vào sản xuất để tăng niềm tin cho các hộ tham gia sản xuất.
Xây dựng mô hình trình diễn: HTX đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho xã viên (41 lớp, với hơn 1.000 lượt tham gia. Bên cạnh đó, HTX cũng tổ chức 6 buổi tham quan mô hình sản xuất lúa nâng suất cao tại các địa phương lân cận như Yên Lạc, Dương Cốc, Lý Hải, Lý Nhân…
![]() |
Hội nghị tham quan mô hình trình diễn giống lúa DQ11 của HTX
Tạo nền tảng, thúc đẩy phong trào
Ngoài việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, quản lý HTX, thành viên HTX được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, có kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. HTX đã tổ chức được 10 buổi Hội nghị đầu bờ, với 356 người tham gia. Phối hợp với Ban thông tin Nông nghiệp xã tổ chức mỗi tuần 1 - 2 buổi thăm đồng. Viết thông báo chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng kịp thời, mỗi tuần 2 - 3 bản tin tuyên truyền để xã viên nắm được và thực hiện tốt.
Tiêu thụ sản phẩm cho xã viên: HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao. HTX đã mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm gạo, khoai tây, ớt, đỗ tương và là đầu mối cung cấp hàng nông sản chất lượng cao cho các đại lý tại Hà Nội.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng HTX ngày càng phát triển vững mạnh; tiếp tục đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động dịch vụ của HTX, tạo nền tảng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thụy Vân