HTX Chu Ka được thành lập năm 2018 với 7 thành viên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX Chu Ka đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, nghệ nhân trên địa bàn, đồng thời giúp địa phương khôi phục lại nghề truyền thống đang dần bị mai một.
Hướng tới sản xuất hàng hóa
Nghề làm “nón Đại Hiệp” ở Quảng An dù đã có từ rất lâu, nhưng manh mún, nhỏ lẻ.Trước đây, chỉ một số ít đồng bào dân tộc thiểu số người Dao biết nghề này, họ thường là người khéo tay, tự đan cho mình chiếc nón từ nguyên liệu lá tre để dùng. Người dân trong thôn, bản rất ngưỡng mộ sự khéo léo của họ, nên gọi luôn sản phẩm đó là “nón Đại Hiệp”.
Năm 2018, sản phẩm “nón Đại Hiệp” đã được Sở KH&CN cấp chứng nhận và xã Quảng An đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để được cấp thương hiệu độc quyền.
Thôn Mào Sán Cáu là thôn duy nhất trong 7 thôn của xã Quảng An còn nằm trong diện thôn đặc biệt khó khăn, nhưng lại có rất nhiều người tham gia làm sản phẩm “nón Đại Hiệp” nổi tiếng của HTX Chu Ka.
![]() |
Phát triển nghề làm nón Đại Hiệp truyền thống đem lại thu nhập co bà con dân tộc thiểu số tại Quảng An (ảnh TL) |
Chị Tằng Tài Múi- người dân tộc Dao thôn Mào Sán Cáu cho biết: “Nghề đan nón lá ở Quảng An đã có từ rất lâu rồi, từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cho nghề đan nón, nhưng chủ yếu làm để bản thân dùng là chính. Từ khi có HTX Chu Ka thì nghề này mới phát triển, nón lá được buôn bán theo hướng hàng hóa.
“Nón Đại Hiệp” khác với những chiếc nón lá ở dưới xuôi cả về hình thức lẫn cách làm. Để làm ra một chiếc nón tính từ lúc lên rừng tìm nguyên liệu đến lúc thành thành phẩm phải mất khoảng 2-3 ngày.
Các nguyên liệu dùng để đan một chiếc nón bao gồm : cây Tre Dùng, lá tre rừng, mây đan và dầu toa chống mối mọt. Tre Dùng để đan nón là một loại tre của địa phương, loại tre này có đặc tính dẻo dai được dùng để làm vành nón. Nếu như ở miền xuôi người ta thường dùng lá cọ để làm “áo nón” thì ở Quảng An “áo nón” được dùng hoàn toàn bằng lá tre rừng. Lá tre tươi được hái sau đó luộc qua nước nóng và phơi khô cho đến khi ngả màu bạc tạo độ cứng và dai nhất định. Điều này giúp cho chiếc nón có độ bền lâu, trời mưa không bị thấm nước và ẩm mốc.
Để đan được một chiếc nón lá đẹp đòi hỏi người thợ đan nón phải khéo tay, cẩn thận chuốt từng nan tre, chọn từng chiếc lá để phụ màu cho từng loại nón. Chính bởi sự tỉ mỉ, kì công như vậy mà người biết làm nón ở Quảng An không nhiều, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi.
Để phát triển nghề truyền thống, địa phương và HTX đã mở nhiều lớp dạy nghề cho người dân, và tìm mọi kênh bán hàng để tăng sản lượng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người làm nón.
Hiện, các thành viên HTX Chu Ka làm nón theo dây chuyền. Mỗi người một công đoạn, người chuyên vào rừng tìm vật liệu, người chuyên làm khung nón, người hoàn thành các khâu cuối cùng, nên việc tạo ra sản phẩm nhanh nhiều so với trước.
Quà lưu niệm du khách săn lùng
Anh Lỷ A Tài - Giám đốc HTX Chu Ka cho biết: Sản phẩm nón của chúng tôi thường được bán tại Hội chợ OCOP, khu du lịch như Tuần Châu, Bãi Cháy (TP Hạ Long), Cái Chiên (huyện Hải Hà)... Du khách mua nón vì thấy lạ, có người mua để đội, số khác mua về để trang trí tường nhà bởi tính độc đáo, không lẫn với các loại nón mũ khác.
Việc sản xuất “Nón Đại Hiệp” không chỉ đơn thuần mang giá trị để phục vụ trao đổi, tiêu dùng mà còn là hoạt động sản xuất để phục vụ các nhu cầu dịch vụ tham quan du lịch, quảng bá chiều sâu văn hóa của người dân Quảng An nói riêng, huyện Đầm Hà nói chung đến với du khách trong và ngoài nước . Vừa qua, tại hội chợ OCOP Hạ Long- Quảng ninh, “nón Đại Hiệp” được bày bán tại gian hàng OCOP của huyện Đầm Hà đã thu hút rất đông khách du lịch đến xem và mua nón.Anh Tài cũng đã lập facebook để quảng cáo về “nón Đại Hiệp” và có khá nhiều người theo dõi. Theo bước chân du khách, nón Đại Hiệp đã sang Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Âu, đem lại niềm vui không chỉ cho riêng người làm nón xã Quảng An mà cả huyện Đầm Hà.
Tuy nhiên, với giá bán hiện nay là 220.000 đồng/nón thì người làm nón nhận được số tiền công khoảng từ 60.000 -100.000 đồng/ngày. Thu nhập không cao lại đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ thuật, nên công việc không thu hút được lớp trẻ. Do vậy, làm thế nào để tăng năng suất sản xuất nón Đại Hiệp trong khi các công đoạn đều làm bằng tay vẫn là trăn trở của những người làm nghề. Để nghề truyền thống phát triển bền vững vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người làm nón.
Thanh Vân