Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua tại nhiều địa phương cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Điển hình là HTX Dịch vụ Hưng Tiến (Kim Tân, Kim Thành, Hải Dương) đã cùng các thành viên phát triển mô hình HTX kiểu mới hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả mô hình HTX kiểu mới
Năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tiến chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX, cuối năm 2016, HTX đầu tư gần 200 triệu đồng mua máy cày về phục vụ bà con địa phương. Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc HTX cho biết: Ban đầu bà con còn lo ngại vì sợ làm đất máy không đều, chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, HTX đã tuyên truyền, phân tích, đưa ra đánh giá bằng mô hình cụ thể. Kết quả đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tiến đã cung ứng dịch vụ làm đất cho 100% số thôn trong xã, tỷ lệ làm đất bằng máy của xã đạt trên 95%. HTX còn mở rộng dịch vụ sang một số xã lân cận.
Lãnh đạo HTX Hoàng Nam Phát kiểm tra sản phẩm trước khi xuất kho. |
Không chỉ linh hoạt trong mở rộng dịch vụ, HTX còn nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước năm 2019, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang của xã Kim Tân khá lớn, ông Lượng đã cùng HTX đứng ra thuê 30 ha của các hộ dân để xây dựng 2 mô hình lúa lai hai dòng TH6-6 (lai thơm 6) chất lượng cao vụ chiêm xuân, 1 mô hình trồng khoa tây giống mới ở vụ đông.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống lúa lai chất lượng cao này có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao hơn 30% so với giống Bắc thơm 7, gạo ngon, tiêu thụ dễ dàng. Nhờ những ưu điểm trên nên tới vụ mùa năm 2019, nông dân trong xã đã mở rộng diện tích gieo cấy. Đối với giống khoai tây mới của Đức, chất lượng và năng suất cũng vượt trội so với giống khoai truyền thống đang trồng tại địa phương.
Xác định ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng nâng cao giá trị kinh tế, ông Lượng cũng chủ động liên hệ với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương, Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ và khảo nghiệm giống tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, huyện... mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật.
Mỗi năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tiến tổ chức từ 3 - 5 lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình cây, con mới... Năm nay, HTX cũng đã đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trồng 30 ha củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là sản phẩm đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của xã Kim Tân.
Tích cực tham gia xây dựng NTM
Một điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương là HTX Hoàng Nam Phát. Thành lập năm 2019, với mục tiêu, liên kết, kết nối từ sản xuất đến bao tiêu, tiêu thụ nông sản với quy mô lớn, ngay từ những ngày đầu HTX đã triển khai thuê đất, tích tụ ruộng đất, sản xuất ra sản phẩm để cung ứng ra thị trường.
Nhờ vậy, đến thời điểm này, ngoài 100 ha đất sản xuất để trồng các loại rau của quả theo mùa vụ như bí xanh, bí đỏ, mướp, cải bắp, dưa lưới, dưa chuột…, HTX còn tổ chức liên kết cung cấp toàn bộ giống, vốn, hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 400 hộ liên kết ở các huyện, thành phố gồm Thành phố Hải Dương, huyện Thanh Miện, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Cẩm Giàng, Kim Thành… và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đáng nói, hàng năm HTX Hoàng Nam Phát xuất khẩu được 2.000 – 3.000 tấn rau củ quả các loại sang thị trường Malaisia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Theo tính toán của HTX, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2,5 tỷ đồng. HTX cũng tạo việc làm cho hơn 500 lao động nông nhàn địa phương, trong đó có 60 lao động thường xuyên chuyên thu hoạch, sơ chế, đóng gói các sản phẩm rau củ, quả với thu nhập bình quân hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Xác định hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hải Dương cho biết, các HTX tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM, đến nay có 178/178 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), trong đó có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 12 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới và có 21 HTX tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 22 sản phẩm của HTX được công nhận OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao.
T.H