Là tổ hợp tác trồng mía đạt năng suất cao nhất cả nước, thế nhưng lúc này hơn 200 hộ nông dân ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cũng đang chán nản vì… cây mía.
Gia đình ông Trần Đức Hùng tại ấp 2 (xã Vị Tân) đã có truyền thống trồng mía gần 40 năm. Với 1ha trồng mía của gia đình, suốt nhiều năm liền cho sản lượng lên tới 180-200 tấn mía mỗi năm.
Hợp tác liên kết cũng không cứu được cây mía
Đặc biệt, niên vụ mía 2016-2017, ruộng mía của gia đình ông Hùng được Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco) cấp chứng nhận năng suất cao kỷ lục tại Việt Nam từ trước đến nay, đạt 260 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất trồng mía bình quân của cả nước (theo tổng kết của Hiệp hội Mía đường Việt Nam) đến nay mới chỉ đạt 68 tấn/ha, những ruộng mía cho năng suất cao cũng chỉ trên 100 tấn/ha.
Vợ chồng ông Trần Đức Hùng trên rẫy mía của gia đình |
Gia đình ông Hùng là thành viên của Tổ hợp tác 200 tấn mía – một sáng kiến được Casuco thành lập từ năm 2005. Tổ hợp tác này hiện đang quy tụ 201 hộ dân trong xã Vị Tân, có sản lượng đạt từ 15 tấn đường/ha trở lên, cao nhất trong cả nước. Những năm trước đây, giá mua mía cao, từ 900.000 - 1 triệu đồng/tấn, bình quân mỗi ha trồng mía cho doanh thu 150-200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 35-45 triệu đồng. Thế nhưng niên vụ 2019-2020, giá thu mua mía của Casuco chỉ còn 700 đồng/kg, khiến không hộ trồng mía nào có lãi, thậm chí nhiều hộ trong Tổ hợp tác phải chịu lỗ.
“Trước đây, thu hoạch từ trồng mía đã đem lại 50 triệu đồng/năm cho gia đình tôi, giúp hai con của tôi được đến trường. Nhưng năm nay, giá thu mua mía bị giảm đi 300 đồng/kg, gia đình chỉ hòa vốn. Tính toán chung trong Tổ hợp tác, giá thành sản xuất mía của nông dân trong vụ mía 2019-2020 này ước khoảng 675,8 đồng/kg”, ông Hùng nói.
Ông Trần Văn Em, ở ấp 3, xã Vị Tân, cho biết đến nay đã chuyển đổi xong 0,5ha mía sang trồng dứa, và sẽ chuyển đổi tiếp 1,5ha đất trồng mía còn lại sang trồng cây khác.
"Đã 3 niên vụ mía vừa qua liên tục bị thua lỗ, năm trước, vợ tôi khuyên nên bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác, nhưng vì còn vấn vương với cây mía nên tôi quyết định canh tác thêm một vụ nữa với hy vọng sẽ gỡ gạc lại vụ mía trước. Thế nhưng, giá mía vụ này mà nhà máy đường thu mua quá thấp, nên tôi phải chấp nhận lỗ 20 triệu đồng/ha trồng mía. Do đó, không cần suy nghĩ gì thêm, sau khi bán mía xong là tôi sẽ chuyển đổi tất cả diện tích mía của mình sang cây trồng khác sau hơn 30 năm gắn bó. Đến nay có một số thương lái nói sẽ thu mua dứa, nên gia đình đã chuyển đổi cây mía sang trồng loại cây này”, ông Em chia sẻ.
Sẽ chuyển đổi 5.000ha đất mía
Hậu Giang từng biết đến là vùng đất có diện tích mía lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian giá mía cao, nhà máy đường tranh giành thu mua mía nguyên liệu thì diện tích mía của tỉnh có niên vụ đạt gần 14.000ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, khi ngành mía đường gặp khó, nông dân trồng mía cũng lao đao. Đã nhiều vụ mía liên tiếp, người dân tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang như huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh luôn đối mặt với mùa “mía đắng”, vì không có nguồn lợi nhuận sau cả năm bám rẫy mía vất vả. Vì vậy, diện tích trồng mía ở tỉnh Hậu Giang đang giảm dần.
Điển hình, vụ mía 2019-2020, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh chỉ còn 8.147ha (theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh), giảm hơn 2.000ha so với vụ mía trước. Bên cạnh đó, trước tình cảnh giá mía thấp nên khả năng người dân tiếp tục đối mặt với mùa mía thua lỗ, ngành chức năng tỉnh dự báo nguy cơ nhà máy đường sẽ mất vùng mía nguyên liệu trong thời gian không lâu.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025 tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến chỉ giữ lại khoảng 3.000ha mía và tiến hành vận động bà con chuyển đổi gần 5.000ha từ mía kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Một thực tế là, không ít bà con muốn bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác nhưng lại không biết là trồng cây gì và đầu ra như thế nào. Không chỉ có nông dân mà ngay cả ngành chức năng địa phương cũng đối mặt với tình cảnh tương tự.
Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, địa phương có tổ chức nhiều đoàn đến gặp gỡ người dân để vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Thế nhưng, khi người dân hỏi ngược lại là nên trồng cây gì và bán ở đâu thì địa phương cũng khó trả lời. Để giải bài toán trên, thời gian qua, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, cũng như gặp gỡ doanh nghiệp để giới thiệu tiềm năng, sản phẩm đặc trưng nhằm kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện, nhưng mức độ vẫn còn hạn chế.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hậu Giang cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để giúp các hộ dân. Theo đó, sau thời gian phối hợp cùng nông dân trong triển khai nhiều dự án về trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng thị trường xuất khẩu châu Âu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất và được lãnh đạo Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ chấp thuận mở rộng hợp tác.
Theo bản ký kết hợp tác giữa lãnh đạo Công ty và Sở NN&PTNT, định hướng đến năm 2021, hai bên sẽ tăng cường hợp tác xây dựng thêm 400ha chanh không hạt và 400ha bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm xuất khẩu sang thị trường châu Âu; trong đó ưu tiên thực hiện tại những vùng canh tác mía kém hiệu quả chuyển sang trồng hai loại cây ăn trái này. Bên cạnh đó, Công ty còn tiến hành xây dựng nhà máy chế biến 2ha, điểm trình diễn mô hình, trại thực nghiệm giống cây ăn trái 10ha… Khi mô hình hợp tác mang lại hiệu quả, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và diện tích chuyển đổi chính là tại các vùng mía.
Chu Khôi