Nhiều năm qua, khi đến xã Phước Thuận, du khách không thể bỏ qua điểm dừng chân tại vườn nho Ba Mọi của ông Nguyễn Văn Mọi. Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch của ông Mọi là biểu tượng của khát vọng vượt khó của nông dân ở vùng đất ít mưa, thừa nắng này.
Khát vọng làm giàu
Đứng giữa trang trại nho xanh mướt pha lẫn màu cát vàng, ông Mọi chia sẻ trước đây, cuộc sống của nông dân ở Phước Thuận khó khăn vô vàn vì thời tiết khô hạn, ít loại cây trồng sống được, cây sống được thì năng suất cũng không cao.
Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”, thay vì canh tác theo phương thức truyền thống, người dân địa phương bắt đầu chủ động hơn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tưới tiết kiệm để hạn chế thất thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nho đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời trên đất cát Ninh Thuận, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. |
Trang trại nho Ba Mọi cũng vậy, ban đầu chỉ là một vườn nho nhỏ, manh nha mở cửa đón khách tham quan từ năm 2010, phải đến vài năm sau, mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch mới được làm bài bản, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn.
Với hơn 2ha trồng nho sạch theo hướng VietGAP, trung bình mỗi năm, trang trại nho Ba Mọi cung cấp ra thị trường trên 30 tấn nho tươi và nhiều sản phẩm khác chế biến từ nho đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Không chỉ mang lại lợi nhuận tiền tỷ, trang trại của ông Mọi cũng bao tiêu sản phẩm cho khoảng 15 hộ sản xuất khác tại địa phương.
Riêng hoạt động du lịch trải nghiệm, để thu hút khách, trang trại tổ chức các hoạt động như đưa du khách tham quan vườn, tự tay hái nho, trò chuyện với những người nông dân và tìm hiểu về quy trình canh tác, thu hái, chế biến nông sản, tham quan khu sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nho…
Không chỉ là những "cánh chim lẻ", mô hình trồng nho kết hợp du lịch đang lan khắp huyện Ninh Phước. Nông dân tại các địa phương đang tích cực triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp…
Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện, trồng nho công nghệ cao kết hợp du lịch trải nhiệm đang cho doanh thu bình quân 1-1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Liên kết để tiến xa hơn
Không chỉ có cây nho, để làm giàu trên “vùng đất khát”, người dân Ninh Phước còn phát triển thành công nhiều cây trồng khác cho giá trị cao, điển hình như măng tây xanh.
Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Tuấn Tú, xã An Hải, hồ hởi nói sau nhiều năm bén rễ đất cát, cây măng tây xanh ở An Hải không chỉ là cây giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người dân, đặc biệt là những người Chăm ở địa phương.
Minh chứng là trước đây, thành viên HTX Tuấn Tú đa phần là hộ nghèo khó khăn, nhưng hiện nay HTX đã tăng lên 85 thành viên và không có thành viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua từ 150 – 200kg, thời điểm trúng mùa mỗi ngày thu mua hơn 300kg măng tây xanh của thành viên.
Măng tây xanh không chỉ là cây thoát nghèo mà đang trở thành cây làm giàu của nhiều nông dân Ninh Thuận. |
"Sản lượng và doanh thu từ măng tây của HTX Tuấn Tú tăng dần qua từng năm. Năm 2022 sản lượng đạt 62 tấn, doanh thu 3,1 tỷ đồng. Năm 2023, sản lượng 71 tấn, doanh thu 3,6 tỷ đồng. Năm 2024 ước đạt 75 tấn, doanh thu khoảng hơn 4 tỷ đồng…", ông Hùng Ky cho hay.
Theo UBND xã An Hải, hiện nay trên địa bàn đã hình thành vùng trồng rau an toàn với diện tích 300 ha, trong đó phát triển được 100 ha măng tây xanh. Riêng HTX Tuấn Tú có 40ha đã được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất.
Có một điều dễ nhận thấy ở Ninh Phước là trong những năm gần đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, nông dân, hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho thành viên.
Hình thành chuỗi giá trị
Một trong những đơn vị đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao tại Ninh Phước có thể kể đến là HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu). Những năm qua, HTX đã liên kết với doanh nghiệp đối tác để cung ứng giống lúa và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ cho biết, HTX bắt tay với doanh nghiệp nhằm đảm bảo khâu cung ứng giống lúa, phân bón, khi thu hoạch còn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 300-500 đồng/kg so với thị trường.
Đồng thời, chuỗi liên kết giúp cho các hộ thành viên của HTX duy trì được mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, đưa cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Nhờ đó, tạo cơ hội lớn cho nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước tạo ra mối quan hệ gắn bó ổn định giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân. Đây là điều kiện để HTX xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Trong khi đó, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh), hơn 10 năm nay, thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất bắp giống và bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX cho hay, liên kết sản xuất không chỉ giúp bà con được bao tiêu sản phẩm mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác được tiềm năng đất đai, giúp duy trì sản xuất. Với HTX, đây được coi là tiền đề để thực hiện chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản.
Với kết quả đang có, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung hỗ trợ vốn cho các HTX đầu tư nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các chuỗi sản phẩm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.
Minh Khuê