Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Hồ Quang Bé chưa bao giờ thôi hướng về đồng ruộng, đây cũng là lý do anh chọn chuyên ngành nông nghiệp của Đại học Cần Thơ.
Sáng tạo để thành công
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Bé bắt đầu từ năm 2013, khi chàng cử nhân trẻ trở về quê với vô vàn lời can ngăn của gia đình bạn bè. Nhưng với khát khao cháy bỏng, anh vẫn kiên định với quyết định của mình. Ngày ấy, nghề nông là nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo đúng nghĩa đen.
Hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng quê xã Thổ Sơn cách đây hơn 10 năm là để chuyên canh lúa. Phương thức sản xuất cũ, năng suất không cao, đầu ra phụ thuộc vào thương lái, nên cây lúa chỉ mang lại nguồn thu nhập “đủ ăn” cho người dân địa phương.
Xoài cát đang là một trong những cây trồng thế mạnh, làm giàu cho nông dân Kiên Giang. |
Tiếp quản lại khu cánh đồng của gia đình, anh Bé cũng trải qua quãng thời gian đầu đầy khó khăn. Câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì luôn là một bài toán hóc búa, và phải tốn không ít thời gian, tiền bạc, với những thành công, thất bại đan xen, chàng nông dân trẻ mới tìm thấy lời giải cho mình.
Sau thời gian thử nghiệm, anh Bé tiến hành chia diện tích ruộng của gia đình thành nhiều khu sản xuất khác nhau, một phần vẫn kiên trì với cây lúa để đảm bảo nguồn thu nhập, những phần khác tiến hành trồng các loại rau màu và cây ăn trái. Đồng thời, anh cũng tiến hành đào ao thả cá, tạo nên một chuỗi tuần hoàn VAC (vườn-ao-chuồng) khép kín, phân khu này phục vụ chéo cho phân khu khác.
Khi các mô hình sản xuất đa dạng hơn cũng là lúc kiến thức chuyên ngành nông nghiệp của chàng cử nhân nông nghiệp phát huy tác dụng. Anh Bé ứng dụng nhuần nhuyễn các loại kỹ thuật mới vào từng khâu sản xuất, chăn nuôi. Khu ao cá cung cấp nước tưới sạch cho vùng trồng cây; ngược lại, những loại phụ phẩm từ vườn cây, đồng ruộng được anh Bé thu gom, chế biến thành thức ăn sinh học để nuôi cá...
“Nở rộ” những mô hình hiệu quả
Sự sáng tạo trong quá trình sản xuất giúp các mô hình sản xuất của anh Hồ Quang Bé dần hái quả ngọt. Nhiều năm qua, 2 vườn xoài luôn cho sản lượng 4-5 tấn/năm, lợi nhuận từ 90-100 triệu đồng/năm. Khu sản xuất lúa với tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng mang lại lợi nhuận từ trồng lúa hơn 100 triệu/năm.
Với những thành công của mình, anh Bé đang trở thành người truyền cảm hứng cho các thành viên, nông dân liên kết của HTX xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất. “Vườn xoài của Bé có sản lượng trái ổn định nhất HTX. Tháng 11/2023, Bé là nông dân trẻ duy nhất của tỉnh tham gia hội thảo cung cấp kiến thức về cách trồng, chăm sóc xoài ở Thái Lan”, ông Nguyễn Thành Đô, Giám đốc HTX Hòa Lộc Hòn Đất cho hay.
Có một thực tế dễ thấy là những gương người trẻ khởi nghiệp với con đường nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng nhiều. Đây là thành quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những chính sách hỗ trợ thiết thực, và đặc biệt là sự đóng góp của các HTX.
Mô hình "con tôm ôm cây lúa" là điểm nhấn ứng phó bão hạn mặn của nông dân Kiên Giang. |
Như tại Giồng Riềng, những năm gần đây, việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đang giúp cho người trồng lúa trên địa bàn huyện liên tục thắng lớn. Đến nay, toàn huyện có 535ha lúa sản xuất theo phương pháp an toàn, năng suất cao nhất đạt 6,2 tấn/ha, tăng 10-20% so với sản xuất đại trà.
Năm 2024 này là năm thứ hai, anh Đặng Hoàng Hải, ngụ ấp Xẻo Mây, xã Thạnh Hòa sản xuất theo mô hình trồng lúa hữu cơ. Sau khi thử nghiệm có hiệu quả trên 1 ha lúa, vụ đông xuân 2023-2024, anh quyết định mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên 8 ha.
“Được hỗ trợ chi phí phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và áp dụng đúng kỹ thuật nên ruộng lúa của gia đình tôi phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, chi phí giảm, trong khi năng suất lại cao. Nếu như trước đây sản xuất 1 ha lúa đại trà phải tốn chi phí 10-15 triệu đồng thì trồng lúa hữu cơ giúp giảm chi phí từ 1-2 triệu đồng/ha", anh Hải hồ hởi nói.
Cũng đang kiên trì sản xuất theo phương pháp mới, các thành viên HTX nông nghiệp Đoàn Kết, xã Thạnh Lộc, cho biết thực hiện trồng lúa hữu cơ giúp hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi, giảm thiểu được tác hại từ phân bón hóa học đến môi trường. Sản xuất lúa hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, vừa bảo vệ được môi trường vừa bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tiếp tục phát huy tiềm năng
Ông Đặng Hoàng Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc chia sẻ trong thời gian đầu triển khai mô hình trồng lúa thuần hữu cơ, nhiều hộ nông dân còn e ngại năng suất và lợi nhuận không bằng với trồng lúa đại trà.
Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, thành viên HTX đi trước làm điểm, cho thấy hiệu quả và lợi nhuận mang lại vượt trội, nhiều nông dân đã triển khai thực hiện mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ. Hiện, HTX nông nghiệp Thành Nguyên có 37 ha lúa hữu cơ, dự kiến tăng thêm 10-15 ha trong thời gian tới.
Có thể nói, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại Kiên Giang những năm qua vẫn cho thấy hiệu quả tích cực. Cùng với cây lúa, các nhóm cây trồng như rau - quả thực phẩm, cây ăn trái,… trên địa bàn tỉnh cũng mang lại giá trị ổn định.
Trong thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng, hạn chế những tác động ngày càng mạnh của cơn bão hạn mặn, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh tiếp tục chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy phát triển “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất theo cơ chế và nhu cầu thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hướng tới nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững cho người dân.
Trúc Như