Cách đây hơn 1 năm, ở xã Thanh An (huyện Hớn Quản) đã ra mắt HTX hạt điều Thanh An với sự tham gia của 32 thành viên, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Loan là giám đốc. Đây cũng là ngôi nhà chung của nông dân trồng điều ở khu vực nông thôn, vùng sâu huyện Hớn Quản.
“Đổi đời” nhờ HTX chọn lối đi riêng
Trước đó, bà Loan đã xin chủ trương tập hợp những nông dân trồng điều, các hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ về điều trong xã đoàn kết vào trong một HTX.
Giống điều tím than giúp cho HTX Hạt điều Thanh An vươn xa. |
Như chia sẻ của bà Loan: “Hồi nào giờ, tôi chỉ kinh doanh riêng lẻ thôi. Qua thời gian, tôi thấy ngành điều phát triển rất tốt nên muốn bà con trồng điều và kinh doanh nhỏ lẻ tại xã đoàn kết vào trong một tập thể để thành lập HTX, cùng nhau đưa sản phẩm hạt điều vươn xa, thậm chí ra nước ngoài”.
Chọn lối đi riêng cho mình, HTX Hạt điều Thanh An đã tập trung phát triển giống điều tím (có màu tím đậm, kích thước nhỏ hơn so với hạt điều thường nhưng có nhiều giá trị dinh dưỡng). Nhờ cách làm độc đáo này đã và đang giúp nhiều thành viên HTX “đổi đời”.
Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, tâm huyết dành cho sản phẩm, HTX đã thuyết phục khách hàng bằng cách livestream bán hàng mỗi ngày. Từ những ngày đầu chỉ 80 đơn, dần dần đơn sản phẩm bán lẻ của HTX tăng lên và trung bình hiện nay là 400-500 đơn sản phẩm/ngày.
Cuối năm 2022, các sản phẩm hạt điều rang muối, hạt điều tím than sấy thăng hoa, hạt điều vị tỏi ớt, bánh hạt điều của Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Sang - thành viên của HTX hạt điều Thanh An, đã được UBND tỉnh Bình Phước công nhận đạt OCOP 4 sao.
Kết quả này như một tấm vé thông hành giúp các sản phẩm hạt điều của HTX hạt điều Thanh An “phủ sóng” ở nhiều địa phương trên cả nước, được đưa vào siêu thị và mở ra cơ hội hợp tác với một số đối tác thương mại để xuất ra thị trường nước ngoài.
Đồng thời việc đạt chứng nhận OCOP 4 sao của hạt điều Nhân Sang còn giúp HTX Hạt điều Thanh An khẳng định chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội để vươn xa trên thị trường.
Ngoài HTX chế biến hạt điều nêu trên, trên địa bàn xã Thanh An còn có HTX chăn nuôi - dịch vụ Thanh An. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên 32 thành viên, mỗi mô hình của từng thành viên cũng góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng với thù lao ổn định, bảo đảm đời sống người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thay đổi đời sống người dân vùng sâu
Anh Lê Viết Lừng ở ấp Trung Sơn, thành viên HTX chăn nuôi - dịch vụ Thanh An, khẳng định: Tham gia HTX giúp cho anh em thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra để không tồn đọng sản phẩm.
Tham gia HTX chăn nuôi gà giúp thay đổi đời sống nông dân vùng sâu huyện Hớn Quản. |
Điều tâm đắc của anh Lừng từ khi tham gia HTX là từ chỗ 2 chuồng gà với khoảng 4.000 con ban đầu, đến nay vợ chồng anh đã đầu tư, phát triển 24 chuồng gà và vịt thương phẩm với tổng đàn trên 24 ngàn con dưới tán 6 ha cao su.
Theo quy trình chăm sóc bài bản từ chế độ ăn uống đến tắm rửa, khám bệnh, giống gà Minh Dư khoảng 100 ngày tuổi có thể xuất chuồng; còn đàn vịt thì chỉ mất 45 ngày. Hiện nay, sau thời gian tham gia HTX, sản phẩm chăn nuôi của anh Lừng phát triển vững mạnh và có thương hiệu trong vùng.
Ông Nguyễn Viết Đợi, Chủ tịch UBND xã Thanh An, nhận định: Đoàn kết, tập hợp hộ gia đình, trang trại tham gia kinh tế tập thể đã góp phần đưa xã vùng sâu Thanh An sớm hoàn thành tiêu chí 13 về kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn xã Thanh An có 3 HTX, 3 tổ hợp tác, 1 câu lạc bộ về tiêu sạch đang hoạt động và phát triển tốt. Hoạt động kinh tế tập thể đã góp phần tạo việc làm, thay đổi đời sống người dân vùng sâu, góp sức tích cực cho thu nhập bình quân đầu người của xã.
Cùng với địa phương nêu trên, các xã khác ở huyện Hớn Quản đã và đang phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp và kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác với nhiều thuận lợi như thời tiết, lực lượng lao động, đất đai, địa hình, giao thông và nhiều loại cây trồng chủ lực. Trong đó, cây ăn trái, đàn gia súc, gia cầm tăng cao đang là thế mạnh của huyện.
Nhất là việc thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể là HTX nông nghiệp giúp các nông hộ trong huyện Hớn Quản tiếp cận thị trường để nắm bắt thông tin, lập kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu của thị trường; làm đầu mối trung gian thu mua và đưa hàng hóa đến các thị trường, từ đó sẽ tiết kiệm chi phí lưu thông, lợi nhuận cho người sản xuất sẽ cao hơn…
Một số HTX và tổ hợp tác trong huyện được đánh giá là đang phát huy tốt lợi thế như: HTX tiêu an toàn xã An Phú, HTX rau an toàn xã Tân Lợi... với các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Hớn Quản đã vận động thành lập thêm 3 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác toàn huyện lên 46 tổ hợp tác, với 441 tổ viên, các tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi…Doanh thu bình quân của các tổ hợp tác là 45 triệu đồng/tổ hợp tác/ tháng.
Để tiếp tục là điểm sáng giảm nghèo
Tính đến tháng 6/2023, toàn huyện có 25 HTX đang hoạt động với 388 thành viên. Tuy vậy, hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để là nhân tố quan trọng trong việc tham gia xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện Hớn Quản cần nỗ lực nhiều hơn nữa để là nhân tố quan trọng giúp người dân nơi đây giảm nghèo. |
Như chia sẻ của bà Quách Thị Ánh - Bí thư Huyện ủy Hớn Quản, huyện Hớn Quản là huyện nông nghiệp nhưng đóng góp của các thành phần kinh tế hợp tác cho cơ cấu chung vào kinh tế của huyện còn khiêm tốn. Cho nên rất cần tìm ra giải pháp phát triển mạnh mẽ cho hệ thống kinh tế hợp tác.
Theo bà Ánh, điều hy vọng trong thời gian tới là thành phần kinh tế tập thể, HTX sẽ có những đóng góp tích cực hơn, huy động được tối đa nguồn lực cùng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trên thực tế, một số HTX và tổ hợp tác ở huyện này vẫn còn lúng túng xác định hướng kinh doanh, hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khi đây là khâu rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu yếu kém trong xây dựng thương hiệu, chưa tìm được đầu ra uy tín, ổn định sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các tổ chức.
Ngoài ra, các tổ hợp tác, HTX trong huyện cũng mong được Nhà nước hỗ trợ chương trình, dự án vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, giới thiệu nhà cung cấp vật tư uy tín, giá thành hợp lý nhằm giảm chi phí đầu tư. Đồng thời tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp để thành viên nâng cao kiến thức.
Còn xét về công tác giảm nghèo, tính đến năm 2022, theo báo cáo của UBND huyện Hớn Quản, huyện có 611 hộ nghèo, chiếm 2,17% trên tổng số dân. Còn tính đến nửa đầu năm 2023, số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 353 hộ, chiếm 1,25%.
Nhìn vào những con số nêu trên sẽ thấy những cải thiện về tỷ lệ hộ nghèo là rất đáng ghi nhận và là điểm sáng về giảm nghèo ở tỉnh Bình Phước. Bởi lẽ, cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Hớn Quản là rất cao, với 2.379 hộ, chiếm 10,15% dân số toàn huyện.
Để huyện Hớn Quản tiếp tục là điểm sáng về giảm nghèo thì vai trò của các HTX, tổ hợp tác cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa. Để từ đó giúp cho các nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, ổn định đầu ra nông sản, qua đó giúp ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Thanh Loan