Cầu Kè đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mở hướng làm giàu cho nông dân (Ảnh Tư liệu) |
Nhiều mô hình mới
Ông Thạch Minh Tấn (xã Thông Hòa) cho biết sau hơn 1 tháng xuống giống, 6 công bắp của gia đình hiện đang phát triển tốt bất chấp những ảnh hưởng từ hạn mặn nhờ chủ động nguồn nước ngọt dự trữ.
“Hiện nay, giá bắp trái dao động 25.000 - 30.000 đồng/chục (14 trái), sau khi trừ chi phí, người trồng có thể lãi 4 - 5 triệu đồng/công, cao hơn nhiều lần so trồng lúa và thời gian canh tác rút ngắn chỉ có 70 ngày/vụ. Với mô hình trồng bắp, người dân có thể tự tin thoát nghèo”, ông Tấn phấn khởi cho hay.
Cũng giảm đất lúa chuyển sang trồng màu, ông Nguyễn Hoàng Khởi hiện có 3 công dưa leo chất lượng cao, chia sẻ: “Cái lợi của trồng dưa leo là thời gian thu hoạch ngắn, chỉ 32 ngày hái trái và 60 ngày là xong một vụ. Năng suất dưa leo 3 - 4 tấn/công, bán 5.000 đồng/kg trở lên, nông dân có lãi…”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cầu Kè, mấy năm nay, huyện đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm đất lúa để nâng cao giá trị sản xuất, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân.
Cụ thể, ngành nông nghiệp huyện đã và đang tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những cây thích nghi và cho hiệu quả kinh tế cao như trồng gấc, dừa sáp, cam sành…
Điển hình có thể kể đến HTX nông nghiệp Việt Thành đã trồng thử nghiệm 1,2 ha gấc từ năm 2017. Cây gấc chỉ sau 3 tháng trồng là cho thu hoạch với năng suất 20 - 25 tấn quả 1 ha/năm. Với giá bán dao động từ 6.000 - 25.000 đồng/kg gấc thương phẩm, người trồng lợi nhuận từ 70 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Người dân được khuyến khích tham gia các HTX, tổ hợp tác để tăng giá trị cây trồng (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh chuyển đổi
Ông Huỳnh Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Việt Thành, cho biết từ thành công của mô hình trồng gấc, mới đây Dự án thích ứng biến đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đã hỗ trợ cho 100 hộ thành viên HTX mở rộng sản xuất trên tổng diện tích 20 ha.
Các thành viên HTX tham gia mô hình được đầu tư 100% vật tư đầu vào để trồng 0,2 ha gấc, với số tiền 3,6 triệu đồng/hộ. Các hộ cũng được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Cùng với đó, HTX đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp tại TP.HCM thu mua số lượng gấc thương phẩm không giới hạn theo giá thị trường, nhưng đảm bảo không dưới 6.000 đồng/kg.
“Liên kết với doanh nghiệp giúp HTX đảm bảo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, tạo điểm tựa để các hộ thành viên tự tin phát triển sản xuất, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận, ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Huỳnh Thanh Việt nói.
Kết quả thực tế chứng minh, các mô hình chuyển đổi đang mang lại hiệu quả tích cực. Đối với rau màu trên đất lúa đạt doanh thu khoảng 178 triệu đồng/ha, lợi nhuận 113 triệu đồng/ha, cây ăn trái doanh thu ước đạt 607 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 207 triệu đồng/ha…
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cầu Kè, để việc chuyển đổi cây trồng khác thay cây lúa kém hiệu quả, địa phương còn khuyến khích người dân tham gia kinh tế hợp tác, HTX để sản xuất hàng hóa tập trung và dễ tiếp cận khoa học - kỹ thuật.
Tham gia vào các HTX, tổ hợp tác tạo điều kiện để người nông thay đổi tư duy, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để dễ tìm doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
“Tới đây, huyện tiếp tục phối hợp cùng các địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn… sang trồng các loại cây con khác phù hợp điều kiện từng nơi, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Cầu Kè nhấn mạnh.
Sáu Ngạn