Đội cái nắng vàng của tiết trời miền Tây sông nước, anh Đạt và các cộng sự vẫn cần mẫn kiểm tra từng lá rau, ngọn cỏ, phân tích lượng mưa, mức sinh trưởng của cây… Sự kết hợp ăn ý một cách nhịp nhàng của từng người khiến ai cũng trầm trồ về phong thái chuyên nghiệp của họ.
Khai thác kỹ thuật bản địa
Chia sẻ về lựa chọn đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ, anh Đạt cho biết sự ra đi của ông bà nội vì căn bệnh ung thư đã cho anh thấy các loại hóa chất có trong thuốc trừ sâu tàn phá sức khỏe con người như thế nào. Bên cạnh đó, vùng đất nơi anh đang sinh sống chỉ chuyên canh lúa nên muốn kiếm rau sạch để ăn không phải dễ, dù trước đây rau tự nhiên rất nhiều.
Chính vì những lý do đó mà anh quyết định từ bỏ công việc tư vấn kỹ thuật ở Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với mức lương 15 triệu đồng/tháng để về với quê hương, gắn bó với sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Và trang trại Ếch Ộp ra đời từ đó.
![]() |
Trang trại Ếch Ộp không lạm dụng nhà màng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các sinh vật sinh sống và phát triển trong môi trường tự nhiên. |
Theo lý giải của anh Đạt, ếch là loài thiên địch rất quan trọng giúp người nông dân quản lý dịch hại bằng cách ăn sâu rầy. Còn “ộp” là tiếng kêu của con ếch mỗi khi tới mùa mưa hay khi được sống trong môi trường thuận lợi. Ngoài ra, khi ếch kêu cũng chính là dấu hiệu cho sự sinh sôi, phát triển của loài vật này. Cái tên “Ếch Ộp” chính là thể hiện yếu tố tự nhiên trong sản xuất nhằm mang đến cho con người những sản phẩm thuần túy hữu cơ.
Trước khi đi vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Trương Thành Đạt phải đứng trước nhiều câu hỏi như: Làm nông nghiệp hữu cơ thì có lãi không? Giá nông sản hữu cơ rất cao thì người dân lấy đâu tiền để mua?
“Làm nông nghiệp hữu cơ cực lắm, khó lắm, sao không theo nghề cũ, hay không tìm việc khác nhàn hơn? Đó là những lời nói của nhiều người lúc biết mình lựa chọn đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ”, anh Đạt chia sẻ.
Nhưng anh lại có suy nghĩ rằng “mình từng là một kỹ sư, lại có một chút kiến thức. Nếu cái khó mà mình không làm thì ai làm bây giờ?”. Và những cái khó đó chính là động lực và cũng là thế mạnh để anh cạnh tranh trên thị trường bởi vì khó nên ít người lựa chọn, ít người lựa chọn thì sẽ giảm bớt được sự cạnh tranh.
Ban đầu, anh Đạt chọn mảnh đất nghèo nàn dinh dưỡng nhất để thuê vì anh muốn chứng minh với bà con nông dân rằng việc làm cho đất quê mình “sống lại“ là hoàn toàn có thể. “Dù nhiều người tỏ ra ngán ngẩm thì hãy cứ để những thành quả mà tôi đạt được trong tương lai minh chứng”, anh Đạt tâm sự.
![]() |
Việc trồng hoa để dẫn dụ côn trùng cũng là cách làm hay trong nông nghiệp hữu cơ được anh Trương Thành Đạt áp dụng vào thực tiễn sản xuất. |
Được nghe anh chàng kỹ sư này tâm sự mới thấu hiểu hơn công việc của người nông dân một nắng hai sương. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cứ thầm lặng làm việc, nhẫn nại với công việc của mình bằng một tâm thế trân trọng thiên nhiên. Nói như kiểu của Đạt, đó là “phải cho môi trường tự nhiên sống thì cây cối mới sống được”.
Và thực tế cho thấy, không thể nhìn một bãi đất hoang toàn cỏ để đánh giá đó là kết quả của quá trình làm việc, mà đó chính là một thảm thực vật được tái sinh bằng thời gian và công sức của bao người. Anh Đạt cho biết, muốn có nông sản sạch thì những mảnh đất phải được thở và nghỉ ngơi. Vì vậy, anh luôn cố gắng xây dựng mô hình “đa dạng sinh học” nhằm mục đích cải tạo đất thường xuyên. Đất sống thì mọi thứ sẽ sống chứ không riêng gì cây cối.
Để cân bằng sinh thái, anh Đạt và các cộng sự đã tuân theo nguyên tắc “sử dụng tự nhiên để quản lý tự nhiên”. Tức là các loài sinh vật vốn tồn tại sẵn trong môi trường, những loài thiên địch muốn sống thì sẽ tự tiêu diệt những con dịch hại cho cây trồng.
Chẳng hạn như khi trồng đậu đũa sẽ xuất hiện rất nhiều con rầy mềm. Rầy mềm bám đầy cây với mục đích cắn cây để làm thức ăn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian và với con mắt của một người từng gắn bó với nông nghiệp, Đạt không coi đây là dịch bệnh mà coi đó là lợi thế. Trong vườn rau sẽ được trồng xen các loại cây đậu đũa để làm nhiệm vụ thu hút rầy mềm. Một điều thú vị khác là rầy mềm lại là thức ăn của con bọ rùa nên cứ chỗ nào có rầy mềm thì bọ rùa sẽ xuất hiện.
“Sau khi trồng đậu đũa 15 ngày thì rầy mềm xuất hiện và sau khoảng 7-8 ngày tiếp theo thì bọ rùa xuất hiện và ăn rầy mềm. Không dừng lại ở đó, 7 ngày sau, bọ rùa sẽ sinh sản. Lúc này, lượng thiên địch có ích được nhân lên và dịch hại sẽ được tiêu diệt dần bởi ngoài rầy mềm, các loại bọ trĩ, bọ cánh trắng cũng là thức ăn của bọ rùa”, anh Đạt cho biết.
Một câu chuyện nữa gắn liền với ông bà xưa và được Trương Thành Đạt áp dụng thành công, đó là bắt một con cò về cắt cánh rồi thả vào trong vườn. Cò sẽ tự bắt ruồi vàng, ve, bọ xít, bọ trĩ, các loại sâu ăn lá… để ăn. Và dần dần, cò đã trở thành một thành viên quen thuộc của trang trại Ếch Ộp khi giúp con người tiêu diệt sâu rầy mà không phải tốn tiền mua thuốc trừ sâu.
Ngoài ra, để có nguồn nước sạch cung cấp cho nông trại, anh Đạt hướng dẫn các cộng sự trồng sen, rau muống, bồn bồn… trên mương dẫn nước. Những loại thủy sinh này sẽ lọc kim loại nặng và một số chất ô nhiễm trong nước. Sau đó, nước tiếp tục được lọc thêm lần nữa trước khi đưa qua hệ thống tưới tự động hiện đại bằng béc phun sương và tưới nhỏ giọt cho rau, màu.
Sau gần 5 năm nỗ lực, Trương Thành Đạt và các cộng sự đã xây dựng được hệ sinh thái cân bằng tự nhiên. Rau màu không phun thuốc nên không cần thời gian cách ly, cứ hái xuống rồi lau đi lớp phấn là có thể thưởng thức mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.
![]() |
Làm nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. |
Đặc biệt, mảnh đất khô cằn ngày trước giờ đã hồi sinh và bắt đầu “biết thở”. Những con bọ rùa cùng một số loài côn trùng có lợi xuất hiện như minh chứng cho một hệ sinh thái chuyển mình khởi động.
Đây là chính là tài sản quý giá nhất mà Trương Thành Đạt có được sau 5 năm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ. Theo Đạt, khi ruộng rau bị sâu tấn công, anh chấp nhận lỗ vài triệu đồng nhưng tuyệt đối không phun thuốc. Chính sâu thu hút thiên địch phát triển mạnh nên những lứa rau sau luôn tươi tốt. Trong nông trại, anh Đạt cũng tuyệt đối không bắt ếch, nhái để tạo cảm giác an toàn cho chúng. Bên cạnh đó, bản thân các loài sinh vật cảm nhận rất rõ môi trường nào an toàn, nếu nơi đó có thuốc, chúng sẽ tự bỏ đi nơi khác.
Kết hợp những yếu tố hiện đại
Không chỉ tận dụng các kỹ thuật truyền thống, Trương Thành Đạt còn áp dụng các phương pháp hiện đại trong cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường. Cùng với gian hàng nông sản Ếch Ộp trên đường Lý Thường Kiệt (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), 2 gian hàng liên kết ở huyện An Phú (An Giang) và TP. Cần Thơ đang bán hàng chủ yếu qua ứng dụng Zalo, đồng thời quảng bá trên Facebook.
“Rau trồng tự nhiên nên giá cao hơn so với rau sử dụng phân, thuốc hóa học. Tụi mình nhận đặt hàng trên Zalo rồi tổng hợp đơn hàng, ship một chuyến duy nhất trên địa bàn TP. Long Xuyên vào buổi chiều tối. Đối với khách hàng ở xa như TP. Hồ Chí Minh thì gửi xe lên. Rau trước khi giao cho khách đều được sơ chế sạch, đảm bảo sử dụng được gần như 100%. Phần rác rau sẽ dùng để ủ phân hữu cơ”, Đạt chia sẻ.
![]() |
Trương Thành Đạt hạnh phúc với công việc mình đã lựa chọn. |
Trong quá trình bán hàng, Trương Thành Đạt cũng tích cực tiếp cận khách hàng để hiểu sở thích, mong muốn của họ. Tất cả dữ liệu về khách hàng, thói quen sử dụng rau theo thời điểm, anh đều tích hợp vào dữ liệu lớn (Big data). Đây sẽ là cơ sở để nông trại tính toán chủng loại rau, thời điểm xuống giống, sản lượng thu hoạch nhằm đảm bảo tiêu thụ hết trong ngày.
Chẳng hạn như việc khách thích ăn những loại rau có vị đậm đà thì trong quá trình chăm sóc sẽ bón nhiều phân gà vì phân gà có nhiều kali. Hay nếu khách muốn mua các loại rau cứng, đanh hơn một chút thì chỉ cần điều chỉnh lượng phân bò nhiều lên... Theo anh Đạt, khi hiểu được nhu cầu khách hàng và đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của họ thì chắc chắn lượng nông sản bán ra sẽ nhiều hơn. Muốn làm được vậy thì ngoài cởi mở với khách, người làm nông nghiệp phải hiểu được kỹ thuật bón phân, tưới nước và đặc điểm của từng loại cây. Sau đó áp dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện quá trình cung ứng và tiếp cận khách hàng.
“Bên cạnh những kinh nghiệm truyền thống của ông cha thì Big data hay những kỹ thuật tiên tiến cũng là tài sản quý, rất hữu ích để tụi mình tiếp tục nghiên cứu, phát triển mô hình rau, màu, cây ăn trái thuận tự nhiên trong tương lai. Ếch Ộp không sợ cạnh tranh, Ếch Ộp muốn bắt tay cùng mọi người làm xanh lại Việt Nam”, kỹ sư 9x Trương Thành Đạt tự tin chia sẻ.
Như Yến