Thống kê của tỉnh cho biết, hàng năm Đồng Tháp cung cấp ra thị trường khoảng 13 tỷ cá bột và 1,2 tỷ cá giống phục vụ nuôi thương phẩm với 68 cơ sở sinh sản và 1.160 cơ sở ương giống cá tra với diện tích khoảng 800ha. Đây là địa phương sản xuất giống cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kế hoạch, chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao của Đồng Tháp sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2018 – 2025 và cung cấp cho toàn tỉnh 1,5 tỷ con cá tra giống chất lượng cao.
Đồng Tháp đang tập trung sản xuất có kế hoạch để giải quyết thực trạng thừa, thiếu giống cá tra. |
Quy hoạch giống cá tra 3 cấp phải đầu tư hạ tầng cho vùng ương gồm: xây dựng hệ thống nước, làm thủy lợi, tính đến đầu vào, đầu ra, hệ thống điện, xử lý môi trường. Để làm được điều đó, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam lưu ý: "quy hoạch cá tra giống hay cá tra thương phẩm phải tính tới yếu tố liên kết vùng."
Bộ NN&PTNT đã chọn hai tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp và An Giang để quy hoạch về sản xuất giống cá tra 3 cấp; trong đó, riêng tỉnh Đồng Tháp thực hiện cấp 2 và cấp 3. Cấp 2 là tham gia giữa doanh nghiệp và cơ sở sinh sản giống cá tra có năng lực, cấp 3 gồm các đơn vị nhận cá tra bột từ đơn vị cấp 2 ương dưỡng lên cá hương và lên cá giống để cung cấp cho các doanh nghiệp và trang trại trong chuỗi liên kết theo kế hoạch đặt hàng.
Vũ Trọng