Là xã đầu tiên của tỉnh Phú Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cách đây 4 năm, thời gian qua, xã Hòa Quang Bắc luôn giữ vững thành quả và đang tập trung dồn lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Phú Hòa trong thời gian gần nhất.
Từ "điểm sáng" Hòa Quang Bắc...
Trên hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hòa Quang Bắc phải kể đến những cơ chế khuyến khích người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, trang trại cùng nhiều mô hình hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ trở nên khá giả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài đang canh tác cây mãng cầu theo phương pháp gần gũi với thiên nhiên và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. |
Điển hình phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc nhiều năm nay luôn đổi mới phương thức hoạt động trong sản xuất kinh doanh, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng các dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoặc như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài ở thôn Ngọc Sơn đang canh tác các loại trái cây như mít, mãng cầu… được bón phân hữu cơ và tưới bằng hệ thống nước tự động. HTX cũng đang hướng tới trồng cây ăn trái theo chuẩn organic.
Theo ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX, ngay từ khi bắt đầu canh tác cây mãng cầu, HTX đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến và phương pháp canh tác gần gũi với thiên nhiên.
Vì vậy, khi đến thăm vườn cây ăn trái của HTX, du khách có thể hái xuống và thưởng thức ngay tại chỗ mà không lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng. Năm 2022, mãng cầu Lỗ Chài và mít Thái Lỗ Chài của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong tương lai, để mở rộng sản xuất, HTX sẽ đầu tư máy móc vào chế biến giúp đa dạng sản phẩm từ cây trồng truyền thống. Đồng thời, phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm organic vườn cây ăn trái Dũng Lỗ Chài.
Hay như Tổ hợp tác Sơn Ngọc với 40 thành viên, có trang trại rộng 400 ha trồng cây ăn trái, lúa, trồng xen canh cây hoa màu, trồng rừng sản xuất. Ngoài trồng trọt, Tổ hợp tác còn chăn nuôi bò với tổng đàn 200 con. Khi cùng nhau hợp tác, các thành viên đã chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất; khuyến khích nhau tham gia các lớp tập huấn khuyến nông.
Tổ hợp tác này cũng có 33ha đất sản xuất thuộc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Gắn với tái cơ cấu nông nghiệp toàn huyện, sản xuất của Tổ hợp tác Sơn Ngọc đang theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP. Đây chính là những cơ sở để sản phẩm của Tổ hợp tác có mặt trong các siêu thị và xuất khẩu, với giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần hiện nay. Mô hình sản xuất của tổ hợp tác này cần được nhân rộng để khuyến khích phát triển kinh tế hộ trong cộng đồng dân cư.
...Đến bước tiến ở Hòa Định Tây
Còn ở xã Hòa Định Tây có HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din được công nhận là HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Nhờ hoạt động hiệu quả nên HTX thu hút khá đông các hộ dân tham gia, có diện tích trồng khóm mở rộng lên đến hơn 500 ha, nằm trải dài hai bên suối Cái qua các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa.
HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din có diện tích trồng khóm mở rộng lên đến hơn 500 ha. |
Ngoài việc chọn lọc nguồn giống, HTX Đồng Din còn nghiên cứu giống để nhân bản loại giống chất lượng, cho hiệu quả năng suất cao và đảm bảo sản phẩm khóm của HTX theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. HTX có nhà xưởng với các loại máy hiện đại từ đóng gói, sấy khô, ép nước, đóng chai…. HTX cũng tiên phong áp dụng công nghệ cao vào chế biến, giúp cây khóm có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX cho biết: "Nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại, từ trái khóm, HTX đã tạo ra 5 sản phẩm trực tiếp là khóm sấy, nước ép khóm, rượu khóm, bánh khóm, giấm khóm và 2 sản phẩm gián tiếp là nước lau sàn, nước rửa chén. Đồng thời, cũng từ dây chuyền này, HTX mở rộng các loại nông sản khác như lá giang, măng…".
Cũng theo ông Chương, sản phẩm của HTX không chỉ được bán qua kênh truyền thống là các cửa hàng mà còn có mặt trong các siêu thị và trên các trang thương mại điện tử.
HTX này cũng tận dụng các trang mạng xã hội fanpage, facebook, zalo, youtube để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, giới thiệu đặc sản địa phương… Nhờ đó, khách hàng của HTX không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra thế giới với các đơn hàng từ Nhật Bản, châu Âu…
“Cũng là bánh khóm, nhưng khi làm thủ công và đóng gói với bao bì mẫu mã đơn giản thì không thể đi xa khỏi phạm vi của tỉnh, nhưng khi được sản xuất bởi dây chuyền máy móc hiện đại, mẫu mã bắt mắt, thông tin minh bạch, nguồn gốc rõ ràng thì có thể xuất ngoại”, ông Chương khẳng định.
Từ hoạt động hiệu quả của HTX Đồng Din đã và đang hỗ trợ đắc lực cho xã Hòa Định Tây tiến tới về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Gắn nông nghiệp công nghệ cao với nông thôn mới
Cùng với hai xã nêu trên, huyện Phú Hòa đang tập trung phát triển HTX theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Tính đến nay, toàn huyện có 23 HTX, trong đó 22 HTX nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Phát triển lúa giống và trồng lúa chất lượng cao ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam. |
Nhiều sản phẩm hàng hóa của Phú Hòa có mặt trên thị trường xuất phát từ nông sản địa phương do HTX canh tác sản xuất, như: Mãng cầu, mít Thái của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài; khóm sấy, nước ép khóm, rượu khóm, bánh khóm, giấm khóm… của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din; lúa giống và lúa chất lượng cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam…
Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam ở xã Hòa Quang Nam luôn là HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh Phú Yên trong 5 năm trở lại đây. Cách đây 2 năm, HTX này là đơn vị kinh tế tập thể duy nhất của tỉnh được bình chọn là HTX tiêu biểu toàn quốc.
Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX cho biết: "Thành viên chủ yếu là nông dân nên HTX tập trung vào hỗ trợ sản xuất. Từ các dịch vụ như lúa giống, thủy nông nội đồng, vật tư nông nghiệp đến các dịch vụ trên đồng ruộng như cày đất, tuốt lúa, vận chuyển…, HTX đều từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ. Nhờ đó, sản xuất của bà con được cơ giới hóa, các phương pháp canh tác mới được áp dụng kịp thời".
Với cây lúa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm đưa kỹ thuật và công nghệ vào nâng cao sản lượng, tăng giá trị kinh tế. Theo ông Thuận, từ liên kết theo chuỗi giá trị đến sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào đồng ruộng đều được HTX triển khai sâu rộng tới thành viên.
Thời gian qua, để khắc phục những khó khăn và khơi dậy tiềm năng phát triển, huyện Phú Hòa xác định phải tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó nông nghiệp là thế mạnh tạo động lực, cùng với đó là đẩy mạnh kinh tế hợp tác. Nhờ đó đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từ cách đây 2 năm chỉ còn 0,59%.
Bốn năm trước, huyện Phú Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và đang nỗ lực để giữ vững, nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới. Trên địa bàn huyện hiện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đang nỗ lực đưa 2 xã Hòa Định Tây, Hòa Hội về đích nông thôn mới nâng cao và xã Hòa Quang Bắc về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tin rằng với “đòn bẩy” kinh tế hợp tác, các địa phương của huyện Phú Hòa sẽ hoàn thành được mục tiêu đặt ra cho việc "nâng chất" nông thôn mới.
Thanh Loan