Ông Phan Văn Bản, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, để thúc đẩy công tác khuyến công đi vào chiều sâu, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ - CP ngày 21/5/2012 với nhiều nội dung mới.
Hoạt động khuyến công thời gian qua được xem như “nhịp nối” giúp Nhà nước hỗ trợ hiệu quả các loại hình CN - TTCN ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo Cục Công nghiệp địa phương, năm 2011, tổng kinh phí khuyến công (cả khuyến công quốc gia và 63 tỉnh, thành phố) là 183,665 tỷ đồng, tăng 23,22% so với năm 2010. Trong năm 2011, Cục Công nghiệp địa phương tham mưu bổ sung điều chỉnh nhiều văn bản về khuyến công, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chính sách hỗ trợ đối với khu vực DNNVV, HTX, tổ hợp tác... Cục Công nghiệp địa phương cũng tham gia xây dựng kế hoạch phát triển KTTT năm 2012 và khu vực DNNVV giai đoạn 2011 - 2015, triển khai thực hiện đề án liên kết phát triển sản xuất với tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện khuyến công ở các địa phương vẫn bộc lộ nhiều bất cập, kinh phí thấp, hiệu quả các đề án khuyến công chưa cao....
Một trong những giải pháp tăng cường hiệu quả khuyến công là đổi mới cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Gần đây, Cục Công nghiệp địa phương được Bộ Công Thương giao tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo nghị định khuyến công mới. Ngày 21/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 45/2012/NĐ - CP thay thế Nghị định 134/2004/NĐ - CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
So với Nghị định 134, Nghị định 45 có những điểm cơ bản đổi mới công tác khuyến công:
Về phạm vi và đối tượng, hoạt động khuyến công áp dụng cho 3 đối tượng, trong đó trọng tâm là các DNNVV, HTX, tổ hợp tác và hộ nghề nông thôn. Địa bàn khuyến công mở rộng đến các cơ sở công nghiệp đầu tư sản xuất tại phường thuộc thành phố loại 2, 3 và các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm (còn nhiều khó khăn). Riêng với các DN áp dụng sản xuất sạch hơn thì không phân biệt quy mô, loại hình và địa bàn đầu tư sản xuất.
Nội dung khuyến công được bổ sung thêm hoạt động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tách và bổ sung thêm một khoản quy định riêng về hợp tác quốc tế và một khoản quy định về hoạt động tư vấn khuyến công. Bổ sung nội dung hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường khi di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Trong danh mục ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công bỏ thủy điện nhỏ, điện sử dụng năng lượng mới hoặc năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt dưới 10.000KW để cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nghị định 45 bổ sung thêm nguyên tắc ưu tiên, trong đó có ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện trên một số địa bàn ưu tiên và một số ngành nghề ưu tiên.
Về tổ chức hệ thống khuyến công, Nghị định 45 quy định tổ chức hệ thống khuyến công từ Trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã. Chế độ đối với cộng tác viên khuyến công cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai. Các tổ chức dịch vụ khuyến công khác cũng được thừa nhận. Có quy định về kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công quốc gia ở các vùng và đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm khuyến công của các địa phương.
Nghị định 45 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2012, giúp công tác khuyến công thuận lợi hơn, hiệu quả hơn trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Theo kế hoạch, tổng kinh phí khuyến công năm 2012 là 215 tỷ đồng, tăng 144,4% so với năm 2011, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia 80 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương 135 tỷ đồng, tăng 53,43% so với năm 2011.
Lưu Đoàn