Suốt những năm qua, Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, ấp 3 đã góp phần ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hơn 50 thành viên, hộ liên kết trên địa bàn. Hoạt động của Tổ hợp tác cũng là nhân tố quan trọng giúp xã Đốc Binh Kiều hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả liên kết sản xuất
Chị Nguyễn Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập năm 2018. Ngoài giờ đi làm vườn, đi ruộng, thời gian nhàn rỗi, các thành viên trong gia đình đến Tổ Hợp tác làm hoặc mang sản phẩm về nhà làm, từ đó có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Theo đại diện UBND xã Đốc Binh Kiều, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong xã, góp phần xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, xã đã tập trung cho công tác đào tạo nghề, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong liên kết, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Diện mạo nông nghiệp, nông thôn Đốc Binh Kiều đang thay đổi rõ rệt. |
Trước đây, trên địa bàn xã Đốc Binh Kiều chủ yếu sản xuất lúa, vườn tạp và một số ít vườn cây ăn trái nhưng hiệu quả thấp do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, hàm lượng khoa học - kỹ thuật thấp.
Những năm qua, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, người dân bắt đầu tham gia cải tạo vườn tạp phát triển vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Điển hình có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Đốc Binh Kiều, hiện có hơn 200 thành viên, đang thực hiện hàng loạt dịch vụ thiết yếu như cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, tổ chức sản xuất... Hoạt động của HTX góp phần giúp các thành viên, nông dân liên kết thay đổi cách nghĩ cách làm, nâng cao hiệu quả canh tác lên 15-40%.
“Vào HTX, thành viên, nông dân liên kết được giảm giá vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị…) từ 1-5% so với thị trường. Đặc biệt là được hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, đảm bảo giá bán cao”, đại diện HTX cho hay.
Ấn tượng câu lạc bộ sản xuất
Đáng chú ý, nền tảng để hình thành lên các HTX trên địa bàn xã thời gian qua là các câu lạc bộ sản xuất. Một trong những điển hình hiện tại là Câu lạc bộ làm vườn xã Đốc Binh Kiều, đang có 143 thành viên tham gia sinh hoạt, tổng diện tích cây trồng lên hơn 67 ha với đủ các loại cây ăn trái như: nhãn Ido, bưởi da xanh, sầu riêng, mít...
Ông Phạm Văn Phú, người sáng lập Câu lạc bộ làm vườn xã Đốc Binh Kiều, cho hay câu lạc bộ được hình thành với mục tiêu hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái để gia tăng thu nhập.
Qua 6 năm hoạt động, ngoài tổ chức các buổi họp định kỳ hàng tháng nhằm chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã tích cực mời nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái cho các thành viên.
Với vai trò “đầu tàu” của của câu lạc bộ, ông Phú đang phát triển 2 ha nhãn Ido, mỗi năm cho thu nhập 500-700 triệu đồng. Đến nay, ngoài 2ha nhãn Ido, ông Phú còn mua đất và trồng thêm 8 công vườn sầu riêng.
Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là động lực để Đốc Binh Kiều xây dựng nông thôn mới. |
Ông Phú cho hay, từ năm 1997 gia đình có trồng nhãn quế, nhưng trận lũ năm 2000 làm vườn nhãn ngập nên chết hết. Sau đó, ông trồng lại nhãn Ido và nhận thấy giống nhãn này khá dễ trồng, năng suất và giá bán đều cao, khoảng từ 20.000 đồng - 40.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
“Tính ra, 2 ha trồng lúa sau khi thu hoạch và trừ chi phí, còn lãi chỉ khoảng 40 triệu đồng, nhưng nếu 2ha trồng nhãn Ido mỗi năm gia đình tôi có thể thu lãi khoảng trên 700 triệu đồng”, ông Phú chia sẻ.
Từ ngày gắn bó với cây nhãn Ido, kinh tế gia đình ông Phú khấm khá hơn, 5 người con đều được ông cho ăn học đàng hoàng và 4 người đã có công việc ổn định. Đến nay, ngoài 2ha nhãn Ido, ông Phú còn mua đất và trồng thêm 8 công vườn sầu riêng.
Theo ông Phú, sắp tới, Ban Chủ nhiệm CLB phấn đấu xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái ở địa phương theo hướng tập trung. Đồng thời, mở rộng thêm diện tích cây trồng, giúp nông dân địa phương tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất cây trồng, đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Điểm tựa cho nông thôn mới
Có thể thấy, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất… đang là điểm tựa cho quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Đốc Binh Kiều. Năm 2015, Đốc Binh Kiều đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến hết quý I/2023, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đời sống của người dân thay đổi rõ rệt, trên 90% lao động có việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5-6%/năm, gia đình văn hóa đạt trên 90%. Các tuyến đường nông thôn được khoác áo mới, hệ thống trường-trạm khang trang, đáp ứng vấn đề học tập, sức khỏe của người dân.
Để “nước rút” về đích nông thôn mới nâng cao, trong hơn 1 năm qua, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”.
Theo đó, mỗi gia đình đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mang lại lợi nhuận cao cho gia đình, có ý thức bảo vệ môi trường, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Ông Trần Văn Tài, người dân xã Đốc Binh Kiều, chia sẻ: “Một trong những thay đổi lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới là các hộ liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, như sạ thưa, bón phân cân đối, bảo vệ thiên địch, bảo vệ môi trường... Qua đó, đời sống được nâng lên cả về vật chất và tinh thần”.
Xác định xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, thời gian tới, xã Đốc Binh Kiều dự kiến tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc xây dựng các mô hình điểm, tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường công tác giải quyết việc làm, rà soát các sản phẩm tiềm năng đăng ký sản phẩm OCOP.
Xã cũng tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX, câu lạc bộ xây dựng mã vùng, mã vạch, ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá du lịch trên internet và các trang mạng xã hội. Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, trồng hoa, làm hàng rào, cổng ngõ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…
Lệ Chi