Trên địa bàn vùng cao tỉnh Điện Biên, mô hình HTX mới thể hiện rõ bản chất “kép” kinh tế - xã hội. Hoạt động của các HTX vừa kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa bàn, vừa là tổ chức tự trợ giúp cộng đồng và đề cao các giá trị văn hoá, đạo đức, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Điểm sáng Pe Luông
Ở vùng “lòng chảo” huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), sự xuất hiện mô hình kinh doanh điển hình như HTX Thủy sản Pe Luông đã góp phần vào quyết tâm của các cấp ngành không để đói nghèo đeo bám người dân, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Biết cách khai thác lợi thế nguồn lợi thủy sản vùng núi, HTX phát triển nuôi thả cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, chép lai, trê lai… trong hàng chục lồng bè, trên bề mặt 30ha mặt nước hồ Pe Luông.
Theo đánh giá ở tỉnh, mô hình HTX nuôi cá lồng là cách học hỏi kinh nghiệm để phát triển hướng đi mới trong nghề nuôi thả cá. Việc đầu tư làm lồng nuôi cá có ưu điểm giúp cá có sức chống chịu bệnh tốt, ít xảy ra dịch bệnh.
Một năm, HTX thu hoạch 2 lứa, cá tăng trưởng rất tốt, cá trắm 2 - 3 kg/con, rô phi 1 - 1,5kg/con. Sản lượng cá HTX cung cấp chủ yếu cho thị trường Tp.Điện Biên Phủ và một số huyện, thị trong tỉnh.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm vượt qua nhiều khó khăn, HTX luôn năng động và ngày càng hoạt động ổn định, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.
Doanh thu bình quân mỗi năm tăng 38,4%, lợi nhuận bình quân mỗi năm tăng 28,2%, thu nhập các hộ thành viên bình quân đạt 50 - 80 triệu đồng/năm.
Từ HTX Pe Luông và một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả kinh tế cao, huyện Điện Biên đã hỗ trợ nông dân nghèo các xã vùng ngoài nhiều cách làm ăn, thu lợi trên chính nguồn lợi thủy sản vùng cao.
Tiêu biểu như mô hình nuôi cá sinh thái VCA triển khai ở xã Mường Nhà, với 32 hộ dân tham gia trên 2ha mặt nước. Kết quả bước đầu sau 1 năm chăm sóc lồng, cá rô phi đơn tính đạt 0,8 - 1kg/con, cá trắm cỏ 0,9kg/con…
Điểm sáng Pe Luông tạo cú hích khai thác hàng ngàn hecta mặt nước hồ, suối giữa vùng núi, tham gia xã hội hóa công cuộc xóa đói nghèo vùng cao, giúp cho huyện vận động người dân mạnh dạn vay vốn để triển khai những mô hình kinh tế. Từ đó năm 2017 vừa qua, huyện Điện Biên đạt thu nhập bình quân năm gần 18 triệu đồng/người, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 22%.
![]() |
Điểm sáng Pe Luông tạo cú hích khai thác hàng ngàn hecta mặt nước hồ, suối giữa vùng núi, tham gia xã hội hóa công cuộc xóa đói nghèo vùng cao.
Nhân rộng các hạt nhân
Đến nay, ở ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Điện Biên có 98 HTX, trong đó 84 HTX nông lâm nghiệp và 14 HTX thủy sản.
Nhân rộng mô hình HTX Pe Luông, các HTX nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã tập trung cải tạo xử lý ao hồ, nguồn cung cấp giống để chăn nuôi cá thịt, cá giống.
Một vài HTX sản xuất cá giống đã đưa được nhiều loại con giống mới từ các tỉnh miền xuôi vào áp dụng nuôi trồng, kết hợp với việc người dân quan tâm đầu tư nuôi trồng thủy sản nên sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ mở rộng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Các HTX kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp tập trung vào các khâu dịch vụ cơ bản như làm đất, tưới tiêu, giống, vật tư phân bón, bảo vệ thực vật… Thông qua các dịch vụ, HTX đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Riêng nhóm các HTX trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp ở tỉnh chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô tương đối lớn tại các hộ thành viên. Một số HTX chuyên trồng cây kết hợp với chăn nuôi và trở thành địa chỉ ứng dụng các tiến bộ KH-KT và giống cây con mới.
Theo ông Phí Văn Dương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, HTX Thủy sản Pe Luông và những HTX điển hình trên địa bàn tỉnh chính là hạt nhân của khu vực HTX. Khi được quan tâm nhân rộng sẽ trở thành những điểm sáng cho các đơn vị khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Từ thành công của các HTX điển hình, một loạt HTX đã học tập, đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh dịch vụ, tích cực ứng dụng KH-CN, đa dạng hóa ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nông thôn miền núi.
Lưu Đoàn