Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng hiện nay chỉ có 233 HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Số lượng không nhiều nhưng các HTX đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Lợi thế “đất trăm nghề”
Lợi thế được coi là “đất trăm nghề”, với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó gồm 4 nhóm: Chế biến, bảo quản nông sản có 329 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 56 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 822 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 143 làng nghề. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn tới.
HTX đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động. |
Ông Lê Bá Chung, Giám đốc HTX Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ chia sẻ, nắm bắt tình hình thị trường và mong muốn phát triển làng nghề, HTX đã cùng với Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm khuyến công huyện Gia Lâm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ trong làng và một số địa phương lân cận.
Các học viên trẻ theo học các lớp học nghề đều được bảo đảm việc làm sau khi học. Nhờ đó, hầu hết các học viên đều yên tâm, tâm huyết theo đuổi nghề. Từ nguy cơ mai một nghề truyền thống, đến nay, làng nghề đã có gần 1.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề cũng nhờ đó ngày càng phát triển, tham gia quá trình sửa sang, xây dựng các công trình, di tích trên mọi miền đất nước.
Câu chuyện ở làng gốm Bát Tràng cũng tương tự như ở làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ. Những năm trước, nhiều hộ gia đình, cá nhân ở Bát Tràng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả.
Trước tình hình đó, HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng đã tập trung được hơn 100 thành viên, tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ, thiết kế mẫu mã mới gắn với bản sắc dân tộc, mở rộng thị trường xuất khẩu… Qua đó, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề TP Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, các HTX đã góp phần giúp người dân Bát Tràng thay đổi tư duy phát triển làng nghề truyền thống. Người dân Bát Tràng hiện nay đã biết tận dụng những thế mạnh của mình để giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Những nghệ nhân trẻ tuổi đã biết kết hợp truyền thống với xu hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
“Giữ lửa” cho nghề truyền thống
Tại nhiều làng nghề khác ở Thủ đô, các HTX đã hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào duy trì và phát triển làng nghề. Như HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ (huyện Phú Xuyên)..., hằng năm xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm mây tre đan sang thị trường các nước châu Á, châu Âu...
Các HTX đã mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở Thủ đô. |
Bên cạnh đó, một số đơn vị như HTX Ðồng Tâm (huyện Thanh Trì), HTX công nghiệp Thăng Long (quận Hoàng Mai), HTX công nghiệp Trường Sơn (quận Ðống Ða)... đã huy động vốn đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Hồi, Giám đốc HTX Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) cho biết, làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường bằng nhiều sản phẩm, được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Đến nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Theo chị Hồi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các HTX cần tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào phục vụ chuỗi giá trị sản phẩm. Mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của các HTX.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Thành phố.
“Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với phát triển làng nghề ngày càng phát triển. Nhiều HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực, các HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đồng thời, đã tạo việc làm và tạo thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động”, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Phạm Trang